Nhằm triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về Chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghe âm thanh tại đây:
Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.
Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941
Website: www.nhquang.com
Nghị định 15 có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2022 với nội dung đáng chú ý liên quan đến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) và chính sách khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 như sau:
1. Chính sách giảm thuế:
Đối tượng được giảm thuế GTGT và mức giảm thuế GTGT
Đa số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT từ mức 10% xuống 8% trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
- Nhóm 1: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất (Chi tiết tại Phụ lục I Nghị định 15)
- Nhóm 2: Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (Chi tiết tại Phụ lục II Nghị định 15)
- Nhóm 3: Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin (Chi tiết tại Phụ lục III Nghị định 15)
Lưu ý: Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, và kinh doanh thương mại.
Giảm thuế GTGT đối với các phương thức tính thuế GTGT
Các cơ sở kinh doanh đang thực hiện việc tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và các cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đều được hưởng chính sách giảm thuế GTGT này. Cụ thể, cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được tính thuế GTGT theo mức thuế 8%. Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, việc giảm thuế GTGT sẽ được thực hiện giảm 20% mức tỷ lệ phần trắm tính thuế GTGT.
Một số lưu ý khi lập hóa đơn:
Thứ nhất, khi bán hàng hóa dịch vụ, người nộp thuế phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thì không được giảm thuế GTGT.
Thứ hai, trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định 15, người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, hai bên kê khai thuế theo quy định.
Thứ ba, đối với hàng hóa đã bán, dịch vụ đã hoàn thành việc cung cấp trước ngày 01/02/2022 thì không được áp dụng thuế suất 8%, bao gồm cả trường hợp sang tháng 02/2022 người nộp thuế mới lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ đã bán/cung cấp trước 01/02/2022.
Thứ tư, đối với các hóa đơn đã lập trước ngày 01/02/2022 nhưng kể từ ngày 01/02/2022 mới phát hiện sai sót, người nộp thuế lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế thì vẫn áp dụng thuế suất tại thời điểm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do hàng hóa dịch vụ được bán/cung ứng trước 01/02/2022.
Thứ năm, các cơ sở kinh doanh lập hóa đơn sai mức thuế suất mà người nộp thuế không thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế thì khi cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện sẽ xử lý theo quy định
2. Chính sách khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19
Việc ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua một số tổ chức đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ sẽ được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ này bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trong đó, các khoản tiền khấu trừ này sẽ được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp năm 2022. Kể cả trong trường hợp công ty mẹ nhận khoản ủng hộ, tài trợ của các đơn vị thành viên để tập trung đầu mối thực hiện hoạt động ủng hộ, tài trợ thì công ty mẹ và các đơn vị thành viên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với khoản ủng hộ, tài trợ của công ty mẹ và từng đơn vị thành viên. Lưu ý rằng, công ty mẹ sẽ cần có hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ, bao gồm: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo (Mẫu 02, Phụ lục IV, Nghị định 15) hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp, tổ chức là đơn vị ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Đơn vị thành viên phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật và có văn bản xác nhận của công ty mẹ về khoản ủng hộ, tài trợ của từng đơn vị thành viên.