Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp (“Nghị quyết 58”).
Nghị quyết này được Chính phủ ban hành ngày 04/07/2017 và có hiệu lực ngay.
Luật sư Phùng Quang Cường, Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự giới thiệu những điểm chính của Nghị quyết này:
Nghe âm thanh tại đây:
Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.
Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941
Website: www.nhquang.com
Nghị quyết 58 quy định Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là hướng đến rút gọn các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đến mức tối đa, nhằm giảm thiểu sự phiền hà dành cho người dân khi phải chuẩn bị các giấy tờ công dân có liên quan cũng như thực hiện các thủ tục hành chính vốn đang rất chồng chéo.
Nghị quyết 58 đề cập đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với 15 lĩnh vực sau:
1. Lý lịch tư pháp
|
2. Nuôi con nuôi
|
3. Thi hành án dân sự
|
4. Đăng ký giao dịch bảo đảm
|
5. Bồi thường nhà nước
|
6. Chứng thực
|
7. Quốc tịch
|
8. Hộ tịch
|
9. Trợ giúp pháp lý
|
10. Công chứng
|
11. Luật sư
|
12. Trọng tài thương mại
|
13. Tư vấn pháp luật
|
14. Đấu giá tài sản
|
15. Quản tài viên.
|
Những thay đổi quan trọng trong Nghị quyết 58:
Trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, khi công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, sẽ bỏ yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu; Bỏ yêu cầu điền một số thông tin cá nhân tại mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Thay vào đó sẽ bổ sung thông tin về số căn cước công dân hay yêu cầu nộp bản sao thẻ căn cước công dân khi thực hiện thủ tục (trường hợp người có yêu cầu cấp Phiếu là công dân Việt Nam lựa chọn thẻ căn cước công dân khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu).
Trong lĩnh vực nuôi con nuôi:
1. Thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước
a) Đối với hồ sơ của người nhận con nuôi:
- Bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận con nuôi.
- Bỏ Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân) của người nhận con nuôi.
b) Đối với hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:
- Bỏ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.
- Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
c) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc”, bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi.
2. Thủ tục Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
a) Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:
- Bỏ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.
- Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc” và bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (Mẫu TP/CN-2014/CN.02).
3. Thủ tục Đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
a) Hồ sơ của người nhận con nuôi:
- Bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận con nuôi.
- Bỏ văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân) của người nhận con nuôi.
b) Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi: Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
c) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc”, bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (dùng cho trường hợp nuôi con nuôi trong nước).
4. Thủ tục Cấp giấy xác nhận người Việt Nam đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi
a) Hồ sơ của người nhận con nuôi:
- Bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận con nuôi.
- Bỏ văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân) của người nhận con nuôi.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc”, bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (dùng cho trường hợp nuôi con nuôi trong nước).
5. Thủ tục Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong trường hợp con riêng, cháu ruột, người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam từ 12 tháng trở lên
a) Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:
Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc” và bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi.
6. Thủ tục Cấp giấy phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài
Trong lý lịch cá nhân của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi là người Việt Nam bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân. Cá nhân có thể lựa chọn khai hoặc không khai các trường thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, quy định rõ lý lịch cá nhân không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, người khai tự chịu trách nhiệm về nội dung khai.
7. Thủ tục Sửa đổi giấy phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp thay đổi người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam
Trong lý lịch cá nhân của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi là người Việt Nam bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân. Cá nhân có thể lựa chọn khai hoặc không khai các trường thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, quy định rõ lý lịch cá nhân không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, người khai tự chịu trách nhiệm về nội dung khai.
Trong lĩnh vực quốc tịch, bãi bỏ hoàn toàn thủ tục Thông báo có quốc tịch nước ngoài. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ:
- Giấy tờ tùy thân của người liên quan đến người xin nhập quốc tịch (cha, mẹ hoặc người giám hộ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp người đó dưới 18 tuổi; cha, mẹ, vợ, chồng, con - là công dân Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam).
- Giấy chứng nhận kết hôn của người xin nhập quốc tịch Việt Nam với công dân Việt Nam (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam.
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cha, mẹ hoặc người giám hộ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Đối với người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang cư trú trong nước thì không yêu cầu nộp các giấy tờ như bản sao Giấy khai sinh hoặc Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Đối với người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đang cư trú trong nước thì không yêu cầu xuất trình hoặc nộp các giấy tờ sau:
- Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam như bản sao Giấy khai sinh, bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam; giấy tờ khác có liên quan có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam theo điểm b khoản 1 Điều 23 về việc có cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng hoặc con đẻ là công dân Việt Nam (Giấy khai sinh của cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng hoặc con đẻ, Giấy đăng ký kết hôn với vợ, chồng là công dân Việt Nam).
Người xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam, gồm: Giấy khai sinh, trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha, mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam.
Người xin xác nhận là người gốc Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch Vệt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc có cha hoặc mẹ, ông nội hoặc bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống.
Lĩnh vực hộ tịch:
1. Bãi bỏ thủ tục Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
2. Bỏ quy định về xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) đối với Thủ tục Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài.
3. Bỏ quy định nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) đối với Thủ tục Đăng ký kết hôn, Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
4. Bỏ quy định nộp bản sao/xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Đồng thời, giảm bớt yêu cầu cung cấp thông tin trong 19 mẫu Tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP. ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tư pháp theo hướng thông tin về công dân Việt Nam trong các Tờ khai chỉ yêu cầu cung cấp họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.Nhóm thủ tục: Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; Đăng ký lại kết hôn có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài; Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận, cha, mẹ con có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; Đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài; Đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài; Thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; Ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; Ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (khai sinh; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; khai tử; thay đổi hộ tịch); Đăng ký lại khai sinh có yếu tố nước ngoài; Đăng ký lại khai tử có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký khai tử; Đăng ký khai sinh lưu động; Đăng ký kết hôn lưu động; Đăng ký khai tử lưu động; Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới; Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới; Đăng ký nhận, cha, mẹ con có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới; Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới; Đăng ký giám hộ; Đăng ký chấm dứt giám hộ; Đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; Đăng ký lại khai sinh; Đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; Đăng ký lại kết hôn; Đăng ký lại khai tử.
Nghị quyết 58 bắt đầu đi vào hiệu lực từ ngày 04/07/2017. Tuy nhiên, việc bãi bỏ hay đơn giản hóa các thủ tục hành chính nêu trên còn phụ thuộc vào thời điểm Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được hoàn thiện. Bộ Công an hiện đang là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu này.