(VOV5) - Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2017 có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.
Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2017 có hiệu lực từ ngày 20/02/2018, đồng thời thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics; với 3 chương 8 điều (thay cho 4 chương 12 điều trong Nghị định 140).
So với Nghị định 140/2007/NĐ-CP, Nghị định 163/2017/NĐ-CP có những điểm mới đáng lưu ý sau đây:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng
Nghị định 163/2017/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng áp dụng ra các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Thứ hai, nếu như Nghị định 140 phân loại dịch vụ logistics thành 3 nhóm trong đó có nhiều dịch vụ thì Nghị định 163 quy định cụ thể 17 loại hình dịch vụ logistics để tiện cho công tác quản lý. Chẳng hạn như: Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay; Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải…
Thứ ba, về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics
Nghị định 163 cũng quy định cụ thể các Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics (Khoản 3 Điều 4), trong đó, có nội dung nổi bật là: Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp theo tỷ lệ khi kinh doanh dịch vụ logistics liên quan đến vận tải (quy định hiện hành chỉ cho phép thành lập công ty liên doanh).
Thứ tư, Nghị định 163 đã bỏ Chương 3 về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trong Nghị định 140, thay vào đó giao cho “Bộ Công thương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định” này và không nêu tên cụ thể các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Về Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics của nhà đầu tư nước ngoài
Đây là nội dung nổi bật của Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistic được ban hành ngày 30/12/2017.
Theo đó, ngoài đáp ứng các điều kiện tại khoản 1, 2 Điều 4 của Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài là thành viên WTO được cung cấp dịch vụ logistics phải đáp ứng điều kiện về tỷ lệ vốn góp và một số điều kiện sau:
- Dịch vụ vận tải biển: tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu; thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.
- Dịch vụ vận tải đường bộ: 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh với các dịch vụ xếp dỡ container, dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.
Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941
Website: www.nhquang.com