Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.
Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941
Website: www.nhquang.com
Thông tư 05/2021 có hiệu lực kể từ 01/02/2022 và bao gồm một số nội dung tiêu biểu như sau:
Thứ nhất, các trường hợp được tổ chức phiên toà trực tuyến: Trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa sẽ xem xét đánh giá vụ án có thuộc trường hợp được tổ chức phiên tòa trực tuyến hay không, đồng thời đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật của các điểm cầu để quyết định hình thức tổ chức phiên toà. Cụ thể, vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng sẽ được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, trừ các trường hợp:
i. Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước;
ii. Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
iii. Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thứ hai, yêu cầu khi tổ chức phiên toà trực tuyến:
Phiên tòa trực tuyến được tổ chức trên cơ sở kết nối điểm cầu trung tâm và không quá 03 điểm cầu thành phần, trong đó:
Điểm cầu trung tâm là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án tại trụ sở Tòa án hoặc địa điểm do Tòa án lựa chọn, được tổ chức theo quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/07/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án. Thành phần tham gia bắt buộc tại điểm cầu trung tâm gồm Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án. Đồng thời, đương sự, bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tham gia tại điểm cầu trung tâm nếu họ lựa chọn hoặc Tòa án triệu tập. Điểm cầu thành phần là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án do Tòa án tổ chức hoặc chấp nhận. Đối với vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà điểm cầu thành phần được đặt tại nơi đương sự hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lựa chọn được Tòa án chấp nhận thì thành phần tham gia gồm: người tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền trao đổi với bị hại, đương sự khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý.
Các điểm cầu phải bảo đảm về (i) an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu, (ii) không gian, hình ảnh được hiển thị đầy đủ trên màn hình trình chiếu, rõ nét, không gián đoạn và (iii) một số các yêu cầu kỹ thuật khác đối với phòng xử án như trang bị hệ thống trực tuyến, các thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến. Phiên tòa trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử.
Người tham gia phiên tòa trực tuyến cần lưu ý luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro, khi được yêu cầu thì mới phát biểu; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng và một số yêu cầu khác theo quy định tại Điều 11 của Thông tư.
Thứ ba, trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa trực tuyến: Tòa án thực hiện các thủ tục tương tự như một phiên tòa thông thường, đồng thời thực hiện một số yêu cầu đặc thù như:
Kiểm tra căn cước của những người tham gia phiên tòa thông qua so sánh trực tuyến các giấy tờ tùy thân hoặc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kiểm tra sự có mặt của người được triệu tập (đối với phiên tòa xét xử vụ án hình sự tại điểm cầu thành phần).
Phổ biến thêm việc xét xử trực tuyến vẫn đảm bảo các trình tự, thủ tục tố tụng, các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, đương sự vẫn được thực hiện theo quy định pháp luật tố tụng. Tiếp nhận tài liệu, chứng cứ theo hình thức dữ liệu điện tử trong trường hợp người tham gia tố tụng tại điểm cầu thành phần cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ. Đối với vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc giao nộp chứng cứ, tài liệu thực hiện theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 83 của Luật Tố tụng hành chính 2015.
Thứ tư, xử lý tình huống xảy ra tại phiên toà trực tuyến: Trước khi diễn ra phiên tòa hoặc trong quá trình diễn ra phiên tòa trực tuyến mà hệ thống trực tuyến bị gián đoạn do lỗi kết nối đường truyền, mất điện hoặc sự cố khác làm phiên tòa không thể tiếp tục được thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa. Công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ thông báo quyết định tạm ngừng phiên tòa cho những người tham gia tại điểm cầu thành phần. Trường hợp đến ngày mở lại phiên tòa mà vẫn không thể tổ chức được thì Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Tòa án xem xét, quyết định việc mở lại phiên tòa theo hình thức trực tuyến hoặc theo hình thức thông thường theo quy định của pháp luật.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến phản ánh sự thích ứng linh hoạt của công tác tư pháp trong bối cảnh Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Gần đây, tòa án nhân dân tại một số địa phương (như thành phố Hồ Chí Minh) đã tiến hành các phiên xét xử công khai theo hình thức trực tuyến đảm bảo phù hợp quy định pháp luật mà không gặp nhiều khó khăn về chất lượng kỹ thuật. Trong tương lai, các phiên tòa trực tuyến có thể được tổ chức thường xuyên để đảm bảo việc tham gia phiên tòa của tổ chức và cá nhân và công tác xét xử diễn ra liên tục và kịp thời. Do vậy, các doanh nghiệp đang trong quá trình hoặc có dự định tham gia tố tụng tại tòa án lưu ý cần cập nhật, nghiên cứu các quy định của Thông tư này để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về phiên tòa trực tuyến.