(VOV5) - Quá trình triển khai việc Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng
Quang cảnh kỳ họp Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn
|
Sáng nay 5/11, Quốc hội thảo luận Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Ngày 25/1/2017, Chính phủ ban hành Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện thi điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã cấp gần 337.000 thị thực điện tử cho công dân của 46 nước nhập cảnh vào Việt Nam tại 28 cửa khẩu quốc tế gồm đường không, đường bộ và đường biển.
Trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Quá trình triển khai việc Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhâp quốc tế sâu rộng, toàn diện của đât nước ta hiện nay.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: "Chính phủ xác định cần phải tiếp tục thực hiện thí điểm nhằm tổng kết, đánh giá một cách toàn diện hơn nữa tác động của chính sách này đối vói các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nghi quyết số của Quốc hội sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/01/2019, do đó, để bảo đảm hoạt động cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Viêt Nam không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến đối ngoại, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội: Xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 01/02/2019".
Trước đó, thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, các đại biểu đều tán thành việc phê chuẩn Hiệp định này. Các đại biểu cho rằng với những kinh nghiệm khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội để thực thi cam kết và nền kinh tế sẽ hội nhập chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng: "Cùng với việc phê chuẩn CPTPP, tôi đề nghị Chính phủ xây dựng chương trình hành động bảo đảm việc thực thi hiệp định có hiệu quả. Chương trình này phải đáp ứng ba tiêu chí. Một là phải đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết, không chỉ để tuân thủ các cam kết trong hiệp định mà còn ứng phó với các thách thức, tận dụng các cơ hội mở ra. Hai là dự kiến được các phương án cụ thể, chúng ta không chỉ thực thi hiệp định nghiêm túc mà còn phải thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ tuân thủ mà còn phải chủ động, vận dụng vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia và dân tộc. Ba là chương trình thực thi hành động cần nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cùng các đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn".
Hôm nay, Quốc hội cũng thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.