(VOV5) - APPF nhận thấy phải cải cách để thích ứng trước tình hình chính trị, an ninh trên thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn khó lường.
Sau 3 ngày làm việc, chiều 20/1, APPF 26 bế mạc, tại Hà Nội. 17 văn kiện đã được thông qua, trong đó có 14 nghị quyết về những nội dung quan trọng và Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương”.
Trong những ngày làm việc, APPF nhận thấy phải cải cách để thích ứng trước tình hình chính trị, an ninh trên thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn khó lường. Hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.
Về kinh tế thương mại, APPF cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy một châu Á-Thái Bình Dương kết nối và liên kết toàn diện, một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm, vì lợi ích của mọi người dân.
APPF 26 cũng kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển trong việc chung tay thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 phát biểu tại lễ bế mạc - Ảnh: TTXVN
|
Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 khẳng định: "Cùng với những kết quả đã đạt được của những Hội nghị trước, APPF-26 là bước tiến tiếp theo quan trọng trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của Diễn đàn đã được đề ra trong Tuyên bố Vancouver và Tuyên bố New Tokyo. Các Nghị quyết đã được thông qua, cũng như các cuộc trao đổi, thảo luận đã cho thấy vai trò quan trọng của các Nghị viện trong việc tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".
Theo Chủ tịch Quốc hội, thành công của APPF 26 là đã thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương”. Bản Tuyên bố có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, cùng APPF và Nghị viện các nước để hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra để đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF trở thành hành động cụ thể.
Các đại biểu APPF-26 chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: TTXVN
|
Sau Việt Nam, Quốc hội Campuchia sẽ đăng cai tổ chức APPF 27 (tháng 1/2019). Phát biểu nhân dịp này, Trưởng đoàn Campuchia, Phó Chủ tịch Thượng viện Tep Ngorn, cho rằng: "Thành công của hội nghị đánh dấu 1 mốc mới của APPF dưới sự chủ trì của Chủ tịch cùng sự đóng góp, chia sẻ tầm nhìn từ các quốc gia thành viên. Những thành công mới này thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như cam kết về chính trị đã hiện thực hóa tầm nhìn thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Campuchia vinh dự là chủ nhà của APPF 27 và chúng tôi sẵn sàng đảm bảo mọi điều kiện để tổ chức thành công sự kiện này".
Sau phiên bế mạc diễn ra buổi họp báo quốc tế thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 26 diễn đàn nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF 26).