Báo chí Việt – Lào trong kỷ nguyên truyền thông số

(VOV5) - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng tác động của công nghệ, mạng xã hội đối với các cơ quan báo chí và công chúng ngày càng lớn

Trong các ngày từ 25 đến 28/7, tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) diễn ra hội thảo quốc tế do Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Lào phối hợp tổ chức với chủ đề "Báo chí Việt - Lào trong kỷ nguyên truyền thông số".

Hội thảo nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Hội Nhà báo và báo chí hai nước theo tinh thần các văn bản hợp tác đã được ký kết giữa hai bên; nâng cao hơn nữa chất lượng hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Nhà báo Lào và các cơ quan báo chí hai nước. 

Báo chí Việt – Lào trong kỷ nguyên truyền thông số - ảnh 1Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. -VOV
 

Tham dự hội thảo có ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng tác động của công nghệ, mạng xã hội đối với các cơ quan báo chí và công chúng ngày càng lớn, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội không nhỏ đối với báo chí và cả xã hội. Nhanh nhưng phải đảm bảo tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, có trách nhiệm cao với xã hội, thể hiện được bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp vẫn là yêu cầu cốt lõi đối với phóng viên, nhà báo trong bất kỳ thời đại nào, ở đâu: “Trong kỷ nguyên số, nhà báo phải luôn trong tâm thế sẵn sàng, tác nghiệp bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Bên cạnh yếu tố thông tin phải luôn mới, “nóng”, nhanh nhạy, chính xác, đòi hỏi nhà báo phải biết tìm tòi những cái mới, cần thiết, bổ ích, nhân văn mà công chúng quan tâm. Biên tập viên, phóng viên cũng phải thường xuyên thay đổi tư duy, phương pháp, cách thức hoạt động, sáng tạo không ngừng để có nhiều các tác phẩm tốt, hấp dẫn, không bị nhàm chán, đơn điệu. Trong kỷ nguyên số, báo chí, phát thanh, truyền hình công, là những công cụ quan trọng được sử dụng để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, kết nối, sẻ chia thông tin, tư tưởng, tình cảm trên Internet và các loại hình truyền thông mới như Facebook và Twitter.”

Tại hội thảo các đại biểu có nhiều tham luận, tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ nhiều chủ đề liên quan đến các nội dung: làm báo như thế nào trong kỷ nguyên truyền thông số; làm thế nào để báo chí hai nước vượt qua thách thức đặt ra từ bối cảnh truyền thông số hóa toàn cầu, cả về công tác quản lý báo chí, hoạt động nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác