(VOV5) - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận chiều 30/10 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và mục tiêu phát triển năm 2015, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
|
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận |
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết từ năm 2010, Việt Nam đã phải huy động mức trái phiếu Chính phủ cho đầu tư rất lớn. Giai đoạn 2014 - 2016 huy động thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cùng với 225 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2011- 2015. Bội chi ngân sách ở mức cao cùng với việc thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn ODA , dư nợ công đã tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP.
Năm 2011, nợ công là hơn 50% GDP, 2013 là 54,2% GDP, ước 2014 nợ công là 60,3% GDP. Dự kiến 2015 là 64% GDP. Mặc dù vậy các chỉ số nợ công vẫn trong giới hạn cho phép nhưng đứng trước nhiều thách thức. Những tồn tại hiện nay là dư nợ công tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, tăng áp lực bố trí chi trả nợ trong ngắn hạn; áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn, chi phí huy động vốn cao. Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Trình Quốc hội thông qua dự án Luật ngân sách Nhà nước, Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, quyết liệt chống thất thu, chống buôn lậu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và bền vững; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, rà soát quản lý các nguồn thu ngân sách Nhà nước, kết hợp cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước để dành tiền cho đầu tư, cho trả nợ; rà soát tổng thể các chính sách, chương trình dự án đã triển khai trong giai đoạn 2011 – 2015 để cắt giảm, lồng ghép các chính sách, chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi ngân sách chi khi thật sự cần thiết”.
Cũng tại phiên thảo luận chiều 30/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015 mà Chính phủ đặt ra. Để đạt mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả hơn cho việc giải quyết nợ xấu, có cơ chế linh hoạt cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển; sớm ban hành các chính sách đặc thù để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
Song song với đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị trong năm 2015, cần bổ sung cơ chế mạnh mẽ cho lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc nông nghiệp, sớm xem xét điều chỉnh chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đề nghị: “Chính phủ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, tháo gỡ chính sách huy động,phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao và xem đây là hướng đột phá để phát triển nông nghiệp. Đồng thời đẩy nhanh quy mô sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gắn với doanh nghiệp và nguyên liệu; hoàn thiện kênh phân phối đề nghị chính phủ xem xét bỏ thuế VAT đối với đầu vào của sản phẩm nông nghiệp đặc biệt xem xét ban hành mới các chính sách”.
Sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch năm 2015./.