(VOV5)- Phiên chất vấn kết thúc với phần trả lời của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, về tình hình Biển Đông, hỗ trợ ngư dân bám biển….
|
Báo cáo thêm về tình hình kinh tế - xã hội , Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Gía tiêu dùng 5 tháng tăng 1,08%, thấp nhất trong 10 năm qua, dự kiến cả năm lạm phát ở mức 5%. Các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thách thức thêm vào đó là các tác động từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thời gian tới, dự báo kinh tế - xã hội có thể bị ảnh hưởng trên một số lĩnh vực với mức độ khác nhau tùy thuộc vào diễn biến tình hình. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp khắc phục hạn chế, yếu kém, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, theo dõi sát tình hình chủ động các phương án ứng phó.
Về tình hình biển Đông, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các cơ quan chức năng cũng kiên quyết xử lý một số cá nhân khi tuần hành phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, đã bị kích động, có hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản của nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng ổn định sản xuất. Việt Nam cũng đang nghiên cứu để triển khai những chính sách mới để tạo môi trường đầu tư tốt hơn, thuận lợi hơn.
Về giải pháp xây dựng nền kinh tế Việt Nam chủ động hơn, Phó thủ tướng cho biết: Giải pháp đặt ra là phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thứ hai là Việt nam phải thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, có chọn lọc hơn, đặc biệt là các dự án mang hàm lượng khoa học công nghệ, đảm bảo môi trường. Thứ ba là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề quan trọng nữa là thị trường. Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu. Đến 2015, Việt nam sẽ có 16 Hiệp định thương mại tự do với 55 nước và vùng lãnh thổ, mở ra không gian rộng lớn cho thương mại phát triển đa dạng. Trong vấn đề thị trường, Việt Nam vẫn chủ trương giữ quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc thông qua các hiệp định thương mại đa phương, song phương trên tinh thần 2 bên cùng có lợi.
Phát biểu kết thúc 2,5 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá:“Nhiều vấn đề rất nóng được đề cập tại hội trường Quốc hội nhưng 5 thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn rõ ràng, cụ thể, thẳng thắn. Cử tri cũng ủng hộ và đồng tình với phiên chất vấn. Quốc hội đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành các cấp của đồng bào và doanh nghiệp cả nước trong việc vượt qua thách thức của nền kinh tế. ”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết Quốc hội sẽ chọn một số vấn đề trong phiên chất vấn để tiến hành giám sát tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII./.