(VOV5) - Bộ Công Thương khuyến cáo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra.
Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố mức thuế mới đối với một số hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào nước này, Bộ Công Thương khuyến cáo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%, tương đương khoảng 450 tỷ USD trong năm nay.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU tại một công ty may ở Thái Bình. Ảnh: TTXVN |
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã ký 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Các doanh nghiệp nếu đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sẽ có nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới nhằm khắc phục những khó khăn do mức thuế quan cao vào thị trường Hoa Kỳ. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương, cho biết: Bộ Công Thương đang rất nỗ lực để mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới ở Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Bộ Công Thương cũng hướng tới mở rộng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, các giải pháp cần được các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu thực hiện đồng bộ, gồm: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống; nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; tăng cường năng lực phòng vệ thương mại; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp… Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho rằng: Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại quá trình sản xuất, giảm chi phí đầu vào. Chính phủ cũng nên có chính sách tốt hơn, đặc biệt là các chính sách ưu đãi và cải cách thủ tục hành chính, giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hiệu quả hơn trong quá trình sản xuất.
Về lâu dài, Việt Nam sẽ phải cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu như kế hoạch đề ra.