(VOV5) - Cuộc đàm phán cuối cùng về thành lập Chính phủ liên minh ở Đức đã phải kéo dài hơn dự kiến (ngày 4/2).
Tuy các bên có đạt được những thỏa hiệp mới song vẫn còn những khó khăn trước khi tiến đến một thỏa thuận cuối cùng.
Việc nhất trí kéo dài đàm phán để tháo gỡ những nút thắt cuối cùng cho thấy mong muốn của các đảng phái trong việc chấm dứt thế bế tắc chính trị trên chính trường Đức hơn 4 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hồi tháng 9 năm ngoái.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa), lãnh đạo đảng CSU Horst Seehofer (trái) và lãnh đạo đảng SPD Martin Schulz (phải) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 12/1 vừa qua. - Ảnh: THX/TTXVN |
Cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh ở Đức diễn ra giữa đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel. Tiến trình này được khởi động từ tháng 1/2018 và qua nhiều thủ tục để đi đến vòng đàm phán cuối cùng này.
Những bước tiến đáng ghi nhận
Đúng như dự báo, Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel đã phải trải qua các cuộc thương lượng cứng rắn và khó khăn với SPD trong cuộc đàm phán mang tính quyết định. Tuy nhiên trên tinh thần thiện chí cao như cam kết của lãnh đạo 2 phía, một số kết quả nổi bật cũng đã đạt được. Đó là sự thống nhất về một số vấn đề lớn như mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đóng góp lương hưu và đoàn tụ gia đình người tị nạn.
Về châu Âu, các bên nhất trí được về việc sẽ có một ngân sách đầu tư dành riêng cho khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone, sẽ chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng về ngân sách. Ngoài ra, CDU/CSU và SPD cũng đạt được sự nhất trí trong việc sẽ thúc đẩy việc đánh thuế “chính xác và công bằng hơn” đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đang hoạt động tại châu Âu như Google, Apple, Facebook hay Amazon. Tuy nhiên, tất cả các thoả thuận về châu Âu này đều mới chỉ dừng lại ở các tuyên bố chứ các bên đều chưa đưa ra các con số cụ thể.
Những kết quả đạt được đã đem lại cái nhìn lạc quan về tiến trình đàm phán. Đồng thời cũng phản ánh quan điểm chung của 2 bên về tầm quan trọng của việc thành lập được 1 Chính phủ liên minh ở Đức đối với xây dựng một châu Âu mạnh mẽ và thống nhất. Đây là những yếu tố quan trọng, tác động tới nỗ lực của CDU/CSU và SPD để quyết tâm thu hẹp bất đồng.
Rào cản
Hai rào cản lớn nhất ngăn cản CDU/CSU và SPD đạt được thoả thuận là vấn đề luật lao động và y tế. Liên quan đến luật lao động, phía SPD muốn kiểm soát chặt hơn việc các công ty lạm dụng việc ký nhiều hợp đồng ngắn hạn với người lao động để né tránh các nghĩa vụ về chế độ bảo hiểm hay an sinh xã hội. SPD muốn trong trường hợp hết một hợp đồng ngắn hạn đầu tiên, nếu người sử dụng lao động không đưa ra được các chứng minh hợp lý thì sẽ phải ký hợp đồng dài hạn cho người lao động. Tuy nhiên CDU/CSU phản đối đề xuất này và chỉ đồng ý là sẽ ra luật để chặn việc các công ty gia hạn quá nhiều hợp đồng ngắn hạn với lao động.
Về y tế, SPD muốn thay thế hai hệ thống chăm sóc y tế công-tư hiện đang song hành hiện nay ở Đức bằng một hệ thống chăm sóc y tế hợp nhất dành cho tất cả mọi công dân. Tuy nhiên, đề xuất này cũng chưa nhận được sự chấp thuận của CDU/CSU.
Sở dĩ hai vấn đề này tạo ra trở ngại lớn cho CDU/CSU và SPD là do SPD coi đây là hai mặt trận đối nội quan trọng nhằm lấy lại sự ủng hộ của cánh thiên tả trong đảng này cũng như của các đảng viên vốn bi quan đối với viễn cảnh SPD lập lại chính phủ liên minh với CDU/CSU. Cần nhắc lại rằng, việc SPD tham gia đàm phán tái lập “Đại liên minh” với CDU/CSU gây ra chia rẽ rất lớn trong nội bộ đảng SPD vì vậy khôi phục đoàn kết trong đảng là ưu tiên quan trọng.
Hơn 4 tháng qua, nước Đức đã không có 1 Chính phủ ổn định. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới phát triển của nước Đức mà ngay cả các kế hoạch cải tổ tham vọng của Liên minh châu Âu cũng bị tác động.
Vì vậy đạt được thỏa thuận nhằm lập Chính phủ "đại liên minh" ở Đức là một dấu hiệu tốt lành đối với cả Đức và châu Âu.