(VOV5) - "Quốc hội Việt Nam đã tham gia đầy đủ và tích cực có trách nhiệm vào tất cả các hoạt động chính của Liên minh Nghị viện thế giới, đặc biệt là các kỳ Đại hội đồng.
Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Uzbekistan, từ ngày 2-8/4.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong. Ảnh: VOV |
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Quốc hội Đôn Tuấn Phong, kể từ khi gia nhập IPU vào năm 1979, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU. Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn của IPU, nhiều lần giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ chế của IPU, đặc biệt, từng đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 (2015) và Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội (2023). Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam được Ban thư ký và các thành viên IPU coi trọng, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác nghị viện, thúc đẩy kết nối tại khu vực Châu A - Thái Bình Dương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, cho rằng: "Quốc hội Việt Nam đã tham gia đầy đủ và tích cực có trách nhiệm vào tất cả các hoạt động chính của Liên minh Nghị viện thế giới, đặc biệt là các kỳ Đại hội đồng. Tại các kỳ Đại hội đồng này, Việt Nam cũng đã tham gia đóng góp ý kiến đưa ra nhiều sáng kiến trong nỗ lực chung của Liên minh Nghị viện thế giới cũng như nghị viện các nước, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hòa bình hợp tác và phát triển, trong đó có việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững".
Tại diễn đàn IPU-150 có chủ đề "Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội", Quốc hội Việt Nam sẽ cùng nghị viện các nước trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương; tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Đây cũng là dịp để Việt Nam đóng góp vào tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam; tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ với các nước, các nghị viện thành viên IPU. Đề cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế- xã hội, chính sách luôn lấy người dân làm trung tâm; nhấn mạnh vai trò của Quốc hội Việt Nam trong xây dựng và giám sát thực thi chính sách pháp luật để thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội.
Trên bình diện song phương, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội mang ý nghĩa chính trị sâu rộng, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống với Armenia và Uzbekistan; mong muốn cùng 2 nước củng cố tin cậy chính trị, tạo nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đưa quan hệ với mỗi nước lên tầm cao mới.