Trong phiên họp sáng nay (17/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng. Nguồn: VOV
|
Nhiều đại biểu đánh giá cao các giải pháp điều hành của Ngân hàng nhà nước thời gian qua cơ bản phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, giữ được mặt bằng lãi suất, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, góp phần vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Về giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Tập trung vào công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý pháp quy tăng cường năng lực của cơ quan thanh tra giám sát, đặc biệt là công tác thanh tra rủi ro và công tác giám sát, chủ động phát hiện sớm những rủi ro để cảnh báo và xử lý nhanh các tổ chức tín dụng khi gặp vấn đề rủi ro”.
Theo một số đại biểu, chính sách tiền tệ hiện đang phải đảm bảo nhiều mục tiêu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa phải hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời thực hiện chính sách xã hội. Chính sách tiền tệ đa mục tiêu như vậy thì có thể không đạt hiệu quả như mong muốn. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc điều hành, hoạch định chính sách tiền tệ với mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm giá trị của đồng tiền Việt Nam, bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định tổ chức tín dụng góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Kết luận phiên chất vấn của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn diễn ra thẳng thắn, sôi nổi, trúng vấn đề. Phần trả lời của Thống đốc nhận được dự hài lòng của đại biểu và được cử tri đánh giá cao.
Sau phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông và các giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn - Ảnh: Quochoi.vn
|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Thông qua việc thực hiện Chính phủ điện tử, hoạt động ứng dụng công nghệ thông được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao. Các bộ ngành đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp giảm nhiều thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ: “Trong thời gian tới, Chính phủ chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá, trong đó nhấn mạnh đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết về tiếp tục thực hiện giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia. Triển khai hướng dẫn xây dựng vận hành Chính phủ điện tử để góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng hệ thống văn bản điều hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở Trung ương đến địa phương”.
"Nóng” nhất trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn là vấn đề mạng xã hội bởi lẽ 70% người dân Việt Nam sử dụng Internet và khoảng 53 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng: “Với mục tiêu làm trong sạch không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các nguyên tắc, coi đó là nền tảng cho người sử dụng mạng xã hội. Nguyên tắc đó là: đảm bảo lợi ích quốc gia, bảo vệ chế độ; Bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nguyên tắc nữa là phù hợp chuẩn mực đạo đức và khơi dậy năng lượng tốt cho công đồng. Thứ tư là bảo vệ quyền và lợi ích cho người dùng. Và nguyên tắc thứ 5, đã là pháp luật thì nghiêm minh, công bằng”.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đối với người sử dụng mạng xã hội nặc danh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng có văn phòng đại diện, có quan hệ hợp tác với Việt Nam để họ vừa tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa tuân thủ các điều khoản quy định của nhà mạng và pháp luật quốc tế.
Giải trình thêm về vấn đề mạng xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tinh thần chung của Chính phủ là tạo điều kiện phát triển mạnh đi đôi với quản lý tốt, đúng pháp luật, đúng xu thế trên thế giới. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cần phải có thái độ rõ ràng hơn đối với mạng xã hội, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, để tạo điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự xã hội và bảo đảm tăng cường khối đại đoàn kết ở Việt Nam”.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải đặt quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử. Đi liền với đó là bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng thông tin trong chỉ đạo, điều hành và triển khai dịch vụ công. Tất cả phải làm và làm trên một tinh thần mới.
Theo dõi phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trong sáng 17/11, cử tri Lò Văn Biên, ở Phường Quyết Thắng, Thành phố Sơn La bày tỏ: “Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng rất trọng tâm, đi vào đúng các vấn đề mà đại biểu hỏi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng”.
Còn cử tri Bùi Huy Loát, thôn Kim Lâu, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo,thành phố Hải Phòng, cho biết: “Tôi là một cử tri qua theo dõi phiên chất vấn, rất phấn khởi khi nghe các đại biểu đại diện cho các thành phố chất vấn các đại biểu về sử dụng nguồn vốn thì chúng tôi thấy rằng những câu hỏi rất sát thực. Về lĩnh vực nông nghiệp thì tôi thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp nên bộ mặt nông thôn phát triển tốt. Chúng tôi mong muốn Nhà nước đầu tư nguồn vốn cho nông nghiệp và tổ chức lại để nông nghiệp phát triển bền vững hơn”.
Theo dõi phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 17/11, cử tri tỉnh Yên Bái đánh giá cao Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã tập trung trả lời vào nhóm vấn đề mà đang được dư luận rất quan tâm hiên nay. Riêng về vấn đề quản lý mạng xã hội, cử tri Nguyễn Thị Phương, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái mong muốn: “Thời gian qua, mạng xã hội thực sự có tác động sâu rộng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, ngoài yếu tố tích cực, thì nhiều thông tin trên mạng xã hội thực sự làm người dân hoang mang. Vì vậy, cử tri chúng tôi rất mong trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những biện pháp hiệu quả hơn đối với việc quản lý mạng xã hội, cảnh báo kịp thời những thông tin xấu”.
Trong khi đó, cử tri tại Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát thông tin mạng, ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, gây nguy hại trên mạng xã hội và giải pháp mà Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đưa ra để xử lý một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý báo chí.