(VOV5) - Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03//2025.
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay (18/02), tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với 463/485 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 96,86%. Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03//2025.
Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: quochoi.vn |
Trước đó, trong các phiên thảo luận tại Hội trường và thảo luận tại tổ, trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, khẳng định:"Sửa Luật Tổ chức Chính phủ để cho phù hợp với luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), áp dụng để tổ chức thực hiện trong tinh giản, tinh gọn tổ chức bộ máy từ Quốc hội, Chính phủ tới chính quyền địa phương. Theo tôi, thời điểm hiện nay sửa Luật là điều hết sức cần thiết và cấp bách để đảm bảo từ ngày 01/03 trở đi, hoạt động của cơ quan hành pháp hoạt động trơn tru khi chúng ta đã và đang tinh giản và tinh gọn bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương."
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng:"Việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ là rất cần thiết. Một trong những điểm nổi bật của Luật sửa đổi là sự bổ sung, sửa đổi và đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền. Đây là 1 trong những điều kiện thúc đẩy xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa."
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Phân quyền, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Chính phủ thực hiện quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính thống nhất, thông s uốt, liên tục, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân. Chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia và việc thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp.