(VOV5) - Các đại biểu đề nghị cần bổ sung 1 số cơ chế đặc biệt liên quan đến đầu tư công, quản lý tư; cơ chế đặc biệt cho nhà khoa học; xây dựng quỹ phát triển nghiên cứu khoa học...
Sáng nay (17/02), tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung: Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các vị đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết - Ảnh: quochoi.vn |
Đa số đại biểu đồng tình với nhiều chính sách được Chính phủ đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các đại biểu đề nghị cần bổ sung 1 số cơ chế đặc biệt liên quan đến đầu tư công, quản lý tư; cơ chế đặc biệt cho nhà khoa học; xây dựng quỹ phát triển nghiên cứu khoa học; thực hiện và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học…
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng: "Để phát triển khoa học công nghệ mới, vấn đề nhân sự luôn là cơ bản nhất. Thực tế hiện nay chúng ta đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi đề xuất cần có chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế để tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài Việt Nam ở trong nước thông qua các chính sách, như: hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác để họ có thể tham gia làm việc và đào tạo nhân lực 1 cách ổn định và lâu dài tại Việt Nam. Chúng tôi đề nghị cần nghiên cứu để thực hiện ngay trong năm 2025 để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phấn đấu để Việt Nam trở thành điểm đến của các tri thức công nghệ tiên tiến của nhân loại".
Cũng trong sáng nay, thảo luận về Cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, các đại biểu khẳng định tính cấp thiết cũng như tính khả thi của trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển năng lượng trên thế giới. Tính khả thi của dự án; vốn thực hiện dự án; cơ chế chính sách đảm bảo an sinh xã hội khu vực xây dựng nhà máy; quy trình vận hành kỹ thuật và chuyển giao công nghệ… là các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Đại biểu Trịnh Tú Anh, đoàn Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nêu kiến nghị: "Đề nghị khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử, 1 luật chuyên ngành với mục đích tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của quốc gia dựa trên trên khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Thứ 2, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo số lượng nhân lực cho 2 tổ máy với công suất khoảng 1.200 MW theo hướng dẫn của IAEA là 1.200 người với chuyên môn. Để đảm bảo phát triển bền vững ngành công nghệ điện hạt nhân, Việt Nam vẫn rất cần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu, kỹ sư, kỹ thuật viên để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ 3, làm tốt công tác truyền thông và hỗ trợ tốt nhất cho người dân vùng có dự án để tạo sự đồng thuận trong xã hội, để người dân có đời sống tốt hơn khi nhường đất để xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân".