(VOV5) - Việt Nam sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ trong tình bằng hữu trong Phong trào không liên kết.
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev, Chủ tịch đương nhiệm Phong trào Không liên kết, tối 4/5 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Phong trào Không liên kết với chủ đề “Đoàn kết ứng phó đại dịch Covid-19”. Tham dự và trao đổi tại Hội nghị trực tuyến có nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 40 quốc gia thành viên Không liên kết, đại diện cho các khu vực trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao trực tuyến Phong trào Không liên kết - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nguy cơ từ đại dịch COVID-19 là to lớn và chưa từng có, đòi hỏi các nước tăng cường đoàn kết, biến “nguy” thành “cơ” để vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch và tiếp tục tiến lên. Khẳng định Chính phủ Việt Nam nỗ lực tối đa vừa chống dịch vừa ổn định phát triển, đảm bảo an sinh xã hội để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng cho rằng thời gian tới Phong trào Không liên kết cần tiếp tục ủng hộ tăng cường chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và kiên trì thực hiện các cam kết đa phương then chốt. Theo Thủ tướng, Phong trào Không liên kết cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong thúc đẩy thượng tôn pháp luật và dân chủ hóa quan hệ quốc tế, phản đối các hành vi chính trị cường quyền và thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương, hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc để duy trì một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang chủ trì nhiều thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác phòng, chống dịch trong nội khối ASEAN và đối với các đối tác quốc tế. Là Uỷ viên thường trực Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam tích cực hợp tác với WHO, diễn đàn Liên hợp quốc và nhiều diễn đàn đa phương khác. Trong chống dịch, Việt Nam đã nhận được nhiều tham vấn của WHO, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Và dù khả năng cũng có hạn, chúng tôi đã chia sẻ, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu sản xuất tại Việt Nam cho nhiều quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng và đóng góp tài chính cho Quỹ ứng phó COVID-19 của Liên hợp quốc. Đặc biệt, chúng tôi đã có quan hệ tốt với nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Việt Nam đã sản xuất được bộ kít xét nghiệm nhanh, sẵn sàng xuất khẩu khẩu trang y tế và sẽ xuất khẩu máy thở trong thời gian tới. Việt Nam sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ trong tình bằng hữu trong Phong trào không liên kết của chúng ta".
Kết thúc Hội nghị, các nước thành viên Không liên kết thông qua Tuyên bố chung với nội dung chính bày tỏ sự ủng hộ của Phong trào đối với chủ nghĩa đa phương, vai trò của các tổ chức quốc tế nói chung và Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói riêng, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, lên án và kêu gọi xóa bỏ các hành động cấm vận đơn phương vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nhằm vào một số thành viên Phong trào, đồng thời nhất trí thành lập nhóm Đặc trách Không liên kết để xây dựng cơ sở dữ liệu chung của các nước thành viên Phong trào trong phòng chống đại dịch.