(VOV5) - Làng nghề nước mắm Nam Ô, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng hình thành từ đầu thế kỷ XX.
Nước mắm Nam Ô có tiếng trên thị trường.Tuy nhiên, hiện nay do thiếu đất sản xuất, làng nghề nước mắm Nam Ô đang gặp khó khăn.
Nước mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than có độ đạm rất cao. Để giữ được tinh túy vị biển, cá cơm than dùng để muối mắm phải còn tươi, không to quá hoặc cũng không nhỏ quá. Khi muối cá pha chế theo tỷ lệ 10 cá/4 muối và phải trộn sao cho cho một lớp cá, một lớp muối đều nhau, ủ sau 1 năm mới lọc mắm. Cứ một chum chứa từ 200-300 kg cá ướp muối chắt lọc được 100-150 lít nước mắm. Cách chế biến đặc biệt này tạo ra sản phẩm nước mắm ngon, thơm phức.
Một gia đình phường Hòa Hiệp Nam giới thiệu các công đoạn làm mắm của gia đình. - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Kể từ năm 2016 đến nay khi dự án Khu sinh thái hình thành tại Nam Ô, nhiều hộ dân trong làng nghề nước mắm Nam Ô đã phải giải tỏa để đi nơi khác sinh sống. Số hội viên làng nghề giảm hơn một nửa, hiện chỉ còn 55 hộ. Mặt khác nghề làm nước mắm đòi hỏi hà xưởng rộng rãi nay diện tích sản xuất bị thu hẹp nên nghề truyền thống của làng bị ảnh hưởng. Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, cho biết: “Nguyện vọng người dân muốn rằng dự án nào cũng phải tạo điều kiện cho người dân thuận lợi làm ăn, phát triển càng mạnh. Tôi muốn kêu gọi những nhà đầu tư làm sao cho chúng tôi một mặt bằng để chúng tôi thành lập một hội làng nghề nước mắm tập trung một chỗ, dễ quản lý sản lượng và chất lượng. Vì làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô là nằm trên mặt bằng của Nam Ô chứ đi các vùng khác thì không hợp, mất đi làng nghề truyền thống của chúng tôi.”
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu Công ty cổ phần Trung Thủy (Đà Nẵng), chủ đầu tư Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô, điều chỉnh quy hoạch, hỗ trợ vùng dự án phục dựng lại nghề làm nước mắm Nam Ô. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết:“Nghiên cứu phục hồi lại, mở rộng làng nước mắm Nam Ô thành một khu vực để giới thiệu sản phẩm, còn khu vực sản xuất sẽ có khu khác. Đường ranh giới giữa khu du lịch và khu dân cư hiện trạng phải được mở rộng ra.”
Nước mắm Nam Ô được làm bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng hóa chất. - Ảnh: baocongthuong |
Dù trải qua bao thăng trầm nhưng các hộ sản xuất trong làng nghề nước mắm Nam Ô vẫn bám trụ với nghề. Một số sở sản xuất nước mắm ở đây đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đăng ký nhãn hiệu nước mắm cho cơ sở của mình. Sở Công thương và Trung tâm Khuyến nông Khuyến công thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ nhãn hiệu, máy móc sản xuất cho bà con trong làng làm nghề, giúp bao tiêu sản phẩm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Về phía chính quyền địa phương, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo cho phường Hòa Hiệp Nam, nơi sản xuất lớn và có truyền thống ở Nam Ô, rà soát, lấy ý kiến của các hộ đang sống trong khu vực Nam Ô cộng với các hộ di dời, cộng với hợp tác xã thống kê. Trên cơ sở đó, báo cáo với thành phố Đà Nẵng chọn một địa điểm sản xuất, đảm bảo tránh ô nhiễm. Vì mắm bản thân có mùi cho nên phải bố trí địa điểm cho phù hợp ở phường Hòa Hiệp Nam.”
Hiện nay, sản phẩm nước mắm Nam Ô không chỉ tiêu thụ ở thành phố Đà Nẵng mà còn được bán ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Đắc Lắk, thành phố Hồ Chí Minh... Dân làng Nam Ô luôn tự hào về sản phẩm nước mắm truyền thống của làng. Họ trân trọng nghề truyền thống, tiếp tục giữ vững thương hiệu nước mắm Nam Ô nổi tiếng từ bao đời nay.