(VOV5) - Lạc Dương là huyện vùng cao của tỉnh Lâm Đồng, nằm dưới chân dãy núi Langbiang, với phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như C’ho, Chill, ChRu, Eâđê…
Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, bà con nới đây đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Một góc thị trấn Lạc Dương - Ảnh: Báo Lâm Đồng |
Tất bật cắt những cành hoa hồng để kịp đóng hàng vận chuyển về cho đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Kra Jan Blim ở thôn Bon Đơng 1, Thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, cho biết: Từ chuyện học hành của con cái, chi phí sinh hoạt hàng ngày trong gia đình cho đến cửa nhà khang trang, bề thế như hôm nay đều nhờ cả vào vườn hoa hồng này. Trước đây, toàn bộ diện tích ba sào nhà kính trồng hoa hồng là ruộng lúa 1 vụ, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống rất khó khăn. Từ ngày chuyển đổi trồng hoa trong nhà kính, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, với mức lãi ròng trên dưới 300 triệu đồng/1 năm: "Xưa làm lúa cũng chỉ đủ ăn, rồi trồng cà phê giá hạ làm không đủ, thay đổi trồng dâu không ổn định. Sau này vay tiền Nhà nước làm giàn trồng hồng, gia đình ổn định hơn, đời sống được nâng cao hơn." - Ông Kra Jan Blim nói.
Cũng như gia đình ông Kra Jan Blim, gia đình chị Cil K’Pam, thôn Đa Ra Hoa, xã Đa Nhim, cũng vay vốn Nhà nước, chuyển đổi sang mô hình trồng nấm rơm. Chị K’Pam cho biết từ chỉ một nhà trồng nấm ban đầu đến nay gia đình đã xây dựng thêm 3 nhà sản xuất nấm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Thu nhập gia đình trên 10 triệu đồng/tháng: "Từ khi làm nhà nấm tới giờ thì gia đình có sự thay đổi rõ rệt. So với việc đi làm công nhân, đi làm cà phê thì trồng nấm nhàn hơn, thu nhập cao hơn. Từ đó gia đình mình cũng ổn định hơn, việc làm mình luôn phiên và có việc thường xuyên."
Từ một địa phương với cây trồng chủ lực là lúa và cà phê. Đến nay toàn huyện vùng cao Lạc Dương có gần 780 ha nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 225 triệu đồng mỗi ha. Trong đó, diện tích trồng rau trong nhà kính đạt từ 500 đến 800 triệu đồng mỗi ha một năm. Diện tích trồng hoa đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Cá biệt có diện tích trồng hoa ly ly đạt đến 2 tỷ đồng/ha/năm.
Đến nay toàn huyện vùng cao Lạc Dương có gần 780 ha nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 225 triệu đồng mỗi ha. - Ảnh: Báo Nhân Dân |
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đạ Sar, với tổng diện tích hơn 220 ha, tạo thêm thuận lợi để huyện Lạc Dương triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, miễn tiền thuê đất để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch gắn với chế biến tại địa phương.
Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết trong đà phát triển chung, đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện cũng có bước tiến lớn về trình độ sản xuất, cơ bản xóa bỏ tập quán canh tác cũ, làm quen với trồng cây công nghiệp, cây rau, hoa, dược liệu.
Trong toàn huyện, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 46 hộ. Theo ông Lê Quang Minh, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để giúp bà con phát huy các lợi thế để nâng cao đời sống: "Đây là vùng đất có khí hậu thuận lợi cho việc sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao. Với cây cà phê là chủ lực nhưng song song đó huyện sẽ đưa ra giải pháp cụ thể để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với mục đích nâng cao thu nhập ổn định kinh tế”."
Với thế mạnh về điều kiện đất đai và phát huy nguồn lực khoa học công nghệ, huyện Lạc Dương đang có các điều kiện thuận lợi để tiếp tục vươn lên. Xóa đói giảm nghèo ở vùng đất này đã không còn là việc khó. Bà con các dân tộc ở Lạc Dương đang đứng trước nhiều cơ hội làm giàu bền vững.