Gò Công – Làng làm tủ thờ nức tiếng Nam Bộ

(VOV5) -Tủ thờ Gò Công từ lâu đã nổi tiếng với kiểu dáng trang nghiêm, các chi tiết kết nối được xử lý bằng mộng, ngàm và chốt gỗ chứ không dùng đến đinh hay ốc vít.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

Thờ cúng tổ tiên là một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Trong đó, không gian thờ cúng là nơi thiêng liêng và bàn thờ gia tộc cũng là nơi thể hiện sự trang trọng, lòng thành kính đối với nguồn cội của mình. Ở tỉnh Tiền Giang có 1 làng nghề làm tủ thờ nức tiếng Nam Bộ: Làng Gò Công. 

Nằm tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, Thị xã Gò Công, cách Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, 40km về hướng Đông, làng nghề đóng tủ thờ Gò Công là một làng nghề truyền thống hình thành hơn một thế kỷ.

Gò Công – Làng làm tủ thờ nức tiếng Nam Bộ - ảnh 1Khách mua ấn tượng trước chiếc tủ thờ Gò Công độc đáo. Ảnh: TTXVN

Tủ thờ Gò Công từ lâu đã nổi tiếng với kiểu dáng trang nghiêm, các chi tiết kết nối được xử lý bằng mộng, ngàm và chốt gỗ chứ không dùng đến đinh hay ốc vít. Đặc biệt, nguyên liệu để đóng tủ thờ trải qua bao đời cũng chỉ là loại gỗ xà cừ rất dân dã, vậy mà qua bàn tay tài khéo của những người thợ Gò Công, những tấm gỗ xà cừ đã lên nước, kết hợp với những màu trai hay xà cừ tạo nên vẻ đẹp huyền bí, lung linh…

Nếu như trước đây, tủ thờ Gò Công chủ yếu cẩn bông dâu ở cửa tiền, thì nay họa tiết đã rất phong phú với các đề tài hay điển tích, như “Bách tiên kỳ thú”, “Nhị thập tứ hiếu”, “Bát tiên quá hải”, “Long phụng quần hào”…; ở dàn trụ đứng giữa tủ cẩn ba ông Phước, Lộc, Thọ; ở mỗi bìa cẩn các loại hoa: Mai - Lan - Cúc - Trúc và ở chân qùy cẩn mai hóa long hay “Song long tranh châu”…

Anh Ngô Tấn Lộc, Chủ cơ sở đóng tủ thờ Ba Đức, người con thứ bảy của ông Ba Đức, một trong những “truyền nhân” của ông tổ nghề nơi đây, cho biết: "Từ năm 1995-1997 trở lại đây, nghề phát triển mạnh lắm. Thanh niên ở đây có việc làm hết, phụ nữ cũng vậy luôn, phụ nữ cũng làm nghề. Hồi đó ông bà mình làm toàn bằng tay, giờ kết hợp với máy móc nên nhàn hơn."

Để làm ra được chiếc tủ thờ được người tiêu dùng ưa chuộng, người thợ thủ công đã tạo thêm nhiều mẫu mã mới theo hướng cách tân, hiện đại, tăng lên nhiều trụ, hoa văn đa dạng nhưng vẫn giữ những nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang tính thẩm mỹ cao.

Ông Phạm Văn Nam, xã Tân Trung, cho biết: Chiếc tủ thờ Gò Công đương đại có nhiều trụ, mẫu mã càng đẹp, tinh xảo, cầu kỳ hơn trước. Nếu trước đây, tủ thờ Gò Công truyền thống chỉ có 4 – 6 trụ thì hiện nay, có chiếc tủ thờ được đóng đến 21 trụ và giá trị lên đến hàng trăm nghìn USD.

Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng người dân ở làng nghề này vẫn gắn bó với nghề cha truyền con nối này cho đến hôm nay. Ông Phạm Văn Nam chia sẻ:"So với các ngành nghề khác, nghề mộc mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp  bà con xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, xã Tân Trung không còn hộ nghèo. Hồi xưa làm 2-3 tháng mới được cái tủ, còn bây giờ làm tốc độ nhanh. Bây giờ, tỉnh hỗ trợ, ví dụ như ai mua máy móc công nghệ thì Sở Công thương hỗ trợ 30% và con cũng đồng lòng đồng sức hiến đất cho xã để mở đường cho làng nghề."

Gò Công – Làng làm tủ thờ nức tiếng Nam Bộ - ảnh 2Việc chạm khắc đòi hỏi sự tỉ mỉ và lành nghề. Ảnh: TTXVN

Ngoài đóng tủ thờ, cơ sở của ông Nam còn mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm bàn, ghế salon gỗ. Gần đây, cơ sở đã đầu tư lắp đặt thiết bị lò sấy gỗ dùng để sấy khô gỗ thay cho cách phơi gỗ thủ công trước đây. Đó cũng chính là những điều mà các cơ sở ở đây đã làm được trong những năm qua: "Hồi trước đây, sản phẩm chỉ bán ở 1-2 tỉnh lân cận. Hiện nay, sản phẩm của xã đã được đưa đến nhiều địa phương trên cả nước." "Thị trường bây giờ ưa chuộng tủ thờ lắm. Xưởng tôi sản xuất khoảng hàng ngàn cái tủ thì cũng giao hết ở Đồng bằng Sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh."

V6 19-25/02 CCL VOXPOP 3

Băng: Hồi làm học nghề rất vất vả vì cuộc sống khó khăn. Có nghệ mộc trong tay, thành thợ rồi thì cuộc sống gia đình cũng được nâng lên, đời sống thoải mái hơn.

Năm 2004, UBND tỉnh Tiền Giang ký quyết định thành lập “Làng nghề truyền thống Tủ thờ Gò Công”, một trong những làng nghề đầu tiên của địa phương. Toàn xã Tân Trung có khoảng 80% hộ có người theo nghề đóng tủ thờ với hơn 150 cơ sở, vừa sản xuất vừa gia công, quy tụ hàng ngàn lao động có chuyên môn. Làng nghề đóng tủ thờ ở ấp Ông Non, xã Tân Trung, đang ngày càng phát triển và các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Những người con đất Gò Công đang tiếp bước ông cha bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, để sản phẩm tủ thờ Gò Công mãi là nét văn hóa trong đời sống tâm linh người Việt.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác