(VOV5) - Hoạt động kết nghĩa của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đối với các buôn làng giúp bà con nâng cao đời sống tinh thần và biết ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp nông thôn.
Cách đây 10 năm, Tỉnh Đắc Lắc đã chủ trương để các cơ quan đơn vị doanh nghiệp kết nghĩa với các buôn làng, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, nhằm nhanh chóng đẩy lùi tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Chủ trương này đã phát huy hiệu quả, khi các đơn vị kết nghĩa đã chung sức đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con.
|
Những cây cầu này mang lại sự thuận tiện cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đi trên cây cầu treo vững vàng qua suối mùa nước lũ, Trưởng buôn Liêng Ông Ama Toan cho biết từ năm 2006 đến nay nhờ cây cầu này mà toàn bộ 90ha đất ở bên kia suối đều được đưa vào sản xuất có hiệu quả, buôn vùng sâu Liêng Ông đã khấm khá hơn. Cây cầu do Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên là đơn vị kết nghĩa với buôn, trực tiếp xây dựng giúp người dân trong buôn đi lại thuận lợi. Không chỉ làm cầu, đơn vị kết nghĩa còn thường xuyên cử người đến kiểm tra, bảo trì công trình cầu treo kết nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Ông Ama Toan chia sẻ: “Đơn vị kết nghĩa luôn luôn quan tâm cả cơ sở vật chất và tinh thần với bà con, giúp bà con an tâm lao động sản xuất, không nghe kẻ xấu xúi giục, vững tin theo Đảng Nhà nước. Tuy rằng đất ít người đông, bà con cố gắng học hỏi khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng vật nuôi, cùng với sự giúp đỡ thường xuyên của đơn vị kết nghĩa, bà con này càng tiến bộ hơn”.
Cùng ở xã đặc biệt khó khăn Đắc Phơi, sự đổi thay ở buôn Pai Ar cũng có dấu ấn từ hoạt động kết nghĩa. Ông Y Thăn Long Tưng, cán bộ buôn cho biết Pai Ar theo tiếng Mnông có nghĩa là rau rừng, một loại lương thực chủ yếu nuôi sống người dân ở đây. Những năm qua, nhờ sự đầu tư liên tục của Nhà nước, sự hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa là Công ty xuất nhập khẩu 2/9, bà con trong buôn không còn phải sống nhờ rau rừng nữa. Phần lớn số hộ ở buôn Pai Ar đã có mức sống trung bình khá: “Công ty cùng chung sức chung lòng với dân, vận động bà con làm kinh tế như trồng cà phê, lúa nước, rồi trồng các cây hoa màu khác. Đến bây giờ là bà con đã tiến bộ, đảm bảo việc xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự, và giúp nhiều hộ ngày càng phấn đấu vươn lên làm giàu”.
Hoạt động kết nghĩa của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đối với các buôn làng không chỉ giúp bà con nâng cao đời sống tinh thần, mà còn giúp người dân các buôn làng xây dựng cơ sở vật chất, giúp bà con biết ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp nông thôn. Như Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, đã đầu tư cho buôn Ea Na, xã Ea Na, huyện Krông Ana hơn 4 tỷ đồng, Nhờ mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, giúp năng suất cà phê tăng gần gấp đôi so với trước, đời sống bà con được nâng cao rõ rệt. Ông Y Piêk Ênuôn, Trưởng buôn Ea Na, cho biết: “Công ty hỗ trợ cho bà con rất nhiều về mọi mặt, như là đầu tư phân bón trả chậm, rồi đầu tư hệ thống điện, rồi các công trình văn hóa thể thao… Từ năm 2004 đến nay là bà con chúng tôi được thay đổi phát triển, số hộ nghèo giảm đáng kể. Công ty phối hợp với Viện khoa học khuyến nông mở nhiều hội thảo về khoa học kỹ thuật, giúp bà con rút kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê, từ đó mà bà con buôn làng được phát triển”.
Hiện ở Đắc Lắc có 176 cơ quan doanh nghiệp cấp tỉnh và đơn vị trung ương cùng với gần 1300 cơ quan đơn vị cấp huyện, kết nghĩa với 607 buôn làng. Ông Nguyễn Văn Sự, Phó trưởng ban dân vận tỉnh uỷ Đắc Lắc cho rằng thành công này là cơ sở quan trọng để Đắc Lắc đưa công tác kết nghĩa đi vào chiều sâu: “Nhờ có các đơn vị kết nghĩa thường xuyên bám buôn, thường xuyên hướng dẫn giúp bà con nên là sự chuyển biến của các buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắc Lắc diễn ra nhanh hơn và đạt được những kết quả khả quan. Trong thời gian tới thì nội dung, chất lượng công tác kết nghĩa chuyển sang giai đoạn mới, tức là giúp bà con đi sâu vào việc lao động sản xuất, phát triển kinh tế, phối hợp những chương trình đồng bộ để làm sao cho bà con có tập quán canh tác ổn định. Tất nhiên là vẫn phải bám buôn, giữ gìn an ninh chính trị, an ninh nông thôn, nhưng trọng tâm là tập trung xóa đói giảm nghèo, mục tiêu là hàng năm phải giảm được 2% số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trong 10 năm hoạt động kết nghĩa trên toàn tỉnh, các cơ quan đơn vị ở Đắc Lắc giúp đỡ các buôn làng 80 tỷ đồng, thực hiện kéo điện, làm đường, xây dựng nhà cộng đồng, lớp học mầm non, cung cấp cây con giống. Gắn bó sâu sát với các buôn làng, các đơn vị kết nghĩa đã góp phần đáng kể đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân./.