Khi doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Các mô hình doanh nghiệp kết hợp với nông dân mở ra hướng sản xuất hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. 

Trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Việt nam, việc thực hiện liên kết 4 nhà: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nhà nông là yếu tố quan trọng để nông nghiệp phát triền bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Theo chủ trương này, tỉnh Cà Mau ở đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện các mô hình doanh nghiệp kết hợp với nông dân mở  ra hướng sản xuất hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Là người ham tìm tòi nghiên cứu, ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Viễn Phú ở tỉnh Cà Mau có dịp đi nhiều nước và thấy rằng nhiều sản phẩm Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, đặc biệt là gạo. Chính vì vậy, ông ấp ủ ý tưởng tạo ra sản phẩm gạo hữu cơ có thương hiệu trên thế giới. Sản phẩm gạo hữu cơ là sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp “sạch”, được cơ giới hóa tự động gần 90% các công đoạn, không tiếp xúc với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc trừ cỏ, hóc môn tăng trưởng trong suốt quy trình canh tác. Ông Võ Minh Khải cho biế t: "Nền nông nghiệp Việt Nam trước đây sản xuất ra hàng hóa không có thương hiệu. Tôi đi theo hướng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tức là sản xuất sạch theo tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu, xây dựng thương hiệu gạo đạt đẳng cấp quốc tế và được chứng nhận bởi một tổ chức quốc tế. Từ cái đó mới tạo được niềm tin, thương hiệu của gạo Việt Nam trên trường quốc tế."

Theo ông Võ Minh Khải, sản phẩm gạo hữu cơ không đơn thuần chỉ là thức ăn mà còn quy tụ nhiều chất sinh học tự nhiên có lợi cho sức khoẻ và có tác dụng phòng và chữa bệnh. Chính vì vậy, để sản xuất ra các sản phẩm gạo hữu cơ này, ông đã quyết định chọn vùng đất U Minh Hạ, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, để canh tác. Vì đây là vùng đất hoang vu, chưa ai canh tác, đất ở đây chưa từng tiếp nhận phân bón hóa học. Do vậy, rất thuận lợi trong việc sản xuất lúa “sạch” theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và tiêu chuẩn của Châu Âu.   

Khi doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới - ảnh 1

Quá trình cho ra thành phẩm gạo hữu cơ từ công đoạn gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch đều phải theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh của quốc tế được Mỹ và châu Âu công nhận. Chính vì vậy, quy trình chọn giống rất nghiêm ngặt trong môi trường tự nhiên, không qua biến đổi gien. Đồng thời, việc chăm sóc cây lúa để có được sản phẩm hữu cơ chức năng tốt, đảm bảo chất lượng rất cầu kỳ. Ông Võ Minh Khải cho biết hiện nay trang trại của ông có diện tích trên 320 ha sản xuất 3 loại  lúa hàng hóa theo chất lượng quốc tế được tổ chức Hà Lan chứng nhận :  "Trang trại này sản xuất ra 3 loại hàng hóa. Thứ nhất, là các loại gạo chức năng phục vụ cho người bị tiểu đường, béo phì, ung thư và người bị tim mạch vì nó có rất nhiều hoạt chất sinh học. Thứ hai là thủy sản được xuất sang châu Âu, thứ ba là rau quả phục vụ trước mắt là nội địa. Tất cả 3 sản phẩm này đều được chứng nhận của tổ chức Hà Lan và theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và châu Âu. Do đó, phẩm chất là ngang hàng với Mỹ và Châu Âu."

Khi doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới - ảnh 2

Sau nhiều nỗ lực, năm 2013, sản phẩm gạo hữu cơ của ông Võ Minh Khải  đã chính thức được cung cấp ra thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Châu Âu, Singapore và Hàn Quốc với thương hiệu gạo Hoa Sữa với ngụ ý là gạo cũng bổ dưỡng như dòng sữa mẹ. Cùng với diện tích canh tác lúa sạch, ông Võ Minh Khải còn trồng thêm các loại cây có khả năng hút phèn trong ruộng kết hợp với nuôi thủy sản. Từ đó, năng suất lúa tăng cao, đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha. Tính riêng trong năm 2014, trang trại của ông Võ Minh Khải đã cung ứng cho thị trường hơn 1.000 tấn gạo hữu cơ cùng một số sản phẩm khác từ gạo, rau và thủy sản. Ông Ngô Thanh Phong, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh An, cho biết : "Mô hình của anh Khải sản xuất lúa sạch không sử dụng các loại hóa chất hay phân bón hóa học tạo ra hạt gạo giúp người dân ăn tốt cho sức khỏe. Trong quá trình sản xuất thì lượng lao động anh mướn vào cũng góp phần giải quyết việc làm ở địa phương. Đồng thời, với mô hình sản xuất này thì cũng giúp cho người dân học hỏi để nhân rộng ra như thế rất tốt cho địa phương."

Theo ông Ngô Thanh Phong, chủ trương liên kết 4 nhà Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nhà nông tạo ra sản phẩm mới trong nông nghiệp chính là hướng đi đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, đến hết năm 2015, Cà Mau phấn đấu có 14 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Trong khi nhiều xã còn khó khăn đang tìm hướng phát triển mới thì mô hình sản xuất gạo hữu cơ của ông Võ Minh Khải chính là gợi ý tạo ra nhưng sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, mang lại lợi ích to lớn cho người dân và đem lại giá trị kinh tế cao. Mô hình này đã và đang được nhân rộng, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ ở tỉnh Cà Mau ./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác