(VOV5) - Làng miến dong Bình Lư thuộc bản Thống Nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, mấy chục năm nay nổi tiếng với nghề làm miến dong.
Nghe âm thanh bài viết đây:
Thương hiệu miến dong Bình Lư đã có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước và là một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở Lai Châu. |
Sản phẩm ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng và đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất của làng nghề này.
Nghề miến dong đến với Bình Lư từ những năm đầu thập kỷ 70. Khi ấy, người dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư làm miến dong chỉ đơn giản là vì nỗi nhớ bát miến quê hương và muốn thử nghiệm cây dong có hợp với đất này, tay nghề làm miến sau những năm xa quê có bị mai một? Bởi dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư hầu hết là người Thái Bình di cư lên xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc.
Nỗi nhớ quê hương làm người dân Bình Lư thèm bát canh miến nấu riêu cua ấm áp ở quê nhà. Thế là họ trồng củ dong, vừa ăn cho đỡ đói, rồi làm thêm miến. Nào ngờ củ dong ở đây rất tốt, đặc biệt là chất bột rất nhiều. Bột dong Bình Lư khi làm miến vừa trong, vừa dẻo, sợi miến làm ra dài tới mấy mét mà không đứt gãy. Miến nấu lên vừa mềm, vừa dai và trơn mát, ngon hơn hẳn sợi miến ở quê nhà.
Nhưng phải tới những năm cuối của thập kỷ 90, khi giao thương hàng hóa phát triển mạnh, thương hiệu miến Bình Lư mới được biết đến trên thị trường. Cây dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nhờ đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất, chất lượng, năng suất của sản phẩm miến dong Bình Lư ngày càng được cải tiến. Bà Trần Thị Lượt, một hộ sản xuất tại bản Thống Nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, chia sẻ: "Từ trước đến nay cái làng nghề này bà con đều bám vào nghề miến và bây giờ nó có thương hiệu hơn. Đời sống nhân dân được nâng lên rất rõ rệt, con cái được ăn học, rồi nhà cửa được xây rất là khang trang. Thị trường miến năm nay rất là ổn định, giá miến rơi vào khoảng 50 nghìn đồng một cân. Gia đình tôi năm nay cũng đã bán được hơn 10 tấn và miến bây giờ được chuyển đi toàn quốc."
Người dân làng nghề Thống Nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) sung túc hơn nhờ nghề miến dong. |
Hiện nay, xã Bình Lư có trên 300 hộ trồng dong riềng, 10 cơ sở sản xuất bột dong và trên 50 hộ sản xuất miến dong, mỗi năm bán ra thị trường hơn 100 tấn. Nhiều hộ gia đình làm miến có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Miến dong Bình Lư hiện nay không chỉ có mặt ở thị trường địa phương mà còn được các tư thương chuyển đi khắp các vùng trong cả nước và trở thành sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng của Lai Châu.
Giá thành ổn định, bà con sản xuất miến ra đến đâu được tiểu thương đặt mua hết đến đó, không có sản phẩm tồn. Nhiều hộ phải huy động thêm lao động để nâng cao sản lượng sản phẩm lên gấp 2 đến 3 lần khi vào vụ Tết. Do vậy, những năm qua, đời sống nhân dân Bình Lư cũng khấm khá lên. Anh Nguyễn Xuân Trường, một hộ sản xuất tại địa phương cho biết: "Hàng hóa nó chạy, mình bán thì nói chung là sẽ đem lại được giá trị kinh tế cao, nên cuộc sống của bà con cũng đủ đầy, ấm cúng hơn. Trung bình mỗi ngày nếu trời nắng gia đình tôi sản xuất ra 1 đến 1,5 tạ miến và từ đầu vụ dong đến giờ gia đình đã làm được khoảng 6 đến 6,5 tấn miến rồi. Miến bán ra thị trường năm nay nói chung là ổn định và giá cả cũng hợp lý."
Để giúp cho làng nghề miến dong phát triển, xã Bình Lư đã quy hoạch vùng trồng dong riềng với diện tích gần 50 ha. Bên cạnh đó, xã cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các khâu từ trồng cây dong riềng đến sản xuất, chế biến gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó là tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc trồng dong riềng, chế biến và mở rộng sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Bà Trần Thị Nhẫn, Trưởng bản Thống nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, khẳng định thương hiệu bay xa, bà con có thu nhập ổn định, nên nhiều năm trở lại đây, các hộ dân làng miến dong Bình Lư đã có cuộc sống khá giả, yên tâm và gắn bó với nghề hơn: "Bản Thống Nhất của chúng tôi hiện bây giờ bà con làm nghề miến liên tục trong năm, vì thế nguồn thu của bà con cũng rất là ổn định. Hiệu quả của làm miến đưa lại đã làm cho bà con trong bản ấm no hơn nhiều."
Đến nay, miến dong Bình Lư đã gây dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng và trở thành một trong số đặc sản của địa phương. Và đã thực sự trở thành mũi nhọn nông sản hàng hóa, xóa đói giảm nghèo cho người dân và luôn khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường