(VOV5) - Nằm cách Hà Nội chừng 30km về phía Đông Nam, làng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên được biết đến với nghề đúc đồng truyền thống. Các sản phẩm của làng được đúc tinh xảo đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo sử sách ghi chép thì người truyền nghề truyền nghề đúc đồng cho người dân xã Đại Đồng là Khổng Minh Không, Quốc sư Triều nhà Lý, thế kỷ thứ XII. Quốc sư Khổng Minh Không là người chủ trì xây dựng nhiều công trình phật giáo nổi tiếng ở Việt Nam. Để tỏ lòng biết ơn Khổng Minh Không, người dân nơi đây đúc tượng đức Tổ sư và thờ cúng quanh năm.
Một số sản phẩm của làng đúc đồng Lộng Thượng. - Ảnh: VOV |
Không nhộn nhịp như làng Đại Bái, không tiếng tăm như làng Ngũ Xã, các sản phẩm đúc đồng Lộng Thượng mang dấu ấn và tiếng nói riêng. Thời điểm những năm 1990 xã Đại Đồng có 4 làng nghề đúc đồng, gồm: Văn Ổ, Xuân Phao, Lộng Thượng, Bùng Đông. Tuy nhiên, thợ làng Lộng Thượng có tay nghề cao hơn cả và vẫn giữ nghề cho đến ngày nay.
Ông Dương Văn Tập, nghệ nhân ở làng Lộng Thượng, kể: “Tôi làm nghề này theo cha truyền con nối. 10 tuổi tôi đã học nghề của bố, các chi tiết bé là mình đã biết làm. Hầu như cả làng đều làm nghề, người chạy than, người nung đồng, người gia công nguội, nhà thì đúc. Công đoạn đầu tiên tạo mẫu ra bức tượng xong mình cho khuôn vào để lấy hình đó. Đây là khâu khó nhất trong các công đoạn để làm bức tượng đồng. Tượng mỹ thuật đòi hỏi người thợ tâm huyết, làm sao phải truyền cảm được. Tượng là tâm linh nên khi mình có tâm vào thì bức tượng mới thể hiện được thần thái hoan hỷ, mới đẹp được.”
Nấu chảy đồng trước khi rót vào khuôn. - Ảnh: VOV |
Trước đây, làng Lộng Thượng chuyên đúc tượng, đỉnh, chuông, thì nay dân làng chủ yếu sản xuất đồ thờ cúng như đỉnh, hạc, lọ hoa, lư hương, chân nến, đèn, mâm bổng, bát hương… Dụng cụ đúc đồng gồm: bễ, lò, khuôn. Ngoài ra, còn một số công cụ chuyên dùng khác như mảnh sành sửa khuôn, chậu đựng nước, dùi đục sắt, muỗm múc đồng, dũa, cưa sắt... Mỗi sản phẩm làm ra đòi hỏi kỹ thuật, tỉ mẩn và cả lòng kiên nhẫn và say mê với nghề.
Ông Dương Văn Long, một thợ trong làng, cho biết: “Thực sự phải yêu nghề, toàn tâm với nghề thì lúc làm đồng đổ vào khuôn sản phẩm mới có hồn. Cẩn thận làm thì những đường nét hoa văn mới theo ý của mình. Nguyên liệu đất thì có 2 loại đất trấu và đất bùn trộn đất trấu đã đốt rồi băm ra nhỏ để làm. Phần ngoài khuôn là đất dùng bằng trấu, giúp không bị nứt. Khi nhào đất phải thật cẩn thận, nếu không sản phẩm ra lò sẽ không được đẹp.”
Một người thợ đúc đồng giỏi phải thành thục 5 kỹ thuật gồm: tạo hình; tạo khuôn để đúc thành đồng; pha chế, nấu đồng và rót đồng; trạm khắc trên bề mặt sản phẩm; cuối cùng là đánh bóng. Trong số các sản phẩm của làng Lộng Thượng thì làm tượng thờ là tốn công sức nhất. Nếu không có tay nghề cao và tư duy về nghệ thuật thì không thể làm được.
Những tác phẩm tượng thờ vô cùng tinh xảo. - Ảnh: VOV |
Chỉ vào những bức tượng đang làm, anh Dương Việt Bách, một thợ giỏi trong làng, giới thiệu: “Đây là những sản phẩm tâm huyết của tôi. Các tượng được đúc bằng đồng thau và có màu giả cổ rất được thị trường ưa chuộng hiện nay. Đồ đồng này với màu sắc như này có cảm giác có tuổi từ 50 đến 70 năm nhưng với mình gia công chỉ 1 tuần. Với kiến thức học được cộng với hiểu biết của mình với nghề truyền thống thì mình áp dụng công nghệ mới để làm nên được màu như thế.”
Nghề đúc đồng khó khăn vất vả nhưng dân làng Lộng Thượng luôn cố gắng vượt qua để giữ nghề. Anh Dương Văn Viễn, cho biết: “Ngoài những giá trị truyền thống, người kế thừa phải phát huy nghề. Trong tương lai sự phát triển bao giờ cũng có sự cạnh tranh, khó khăn những chính sự cạnh tranh làm cho sự phát triển tốt hơn. Nghề đúc đồng truyền thống còn là nét văn hóa.”
Ngày nay, làng Lộng Thượng đã được mở rộng sản xuất và phân công hóa ngành nghề. Các hộ sản xuất đã liên kết với nhau thành lập các phường sản xuất riêng theo từng công đoạn, từng loại mặt hàng, như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng, xưởng đúc tượng....
Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh thành một dây chuyền sản xuất, nghề đúc đồng của làng đang ngày càng phát triển. Sản phẩm của làng Lộng Thượng đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Lớp nghệ nhân, thợ trẻ trong làng đã bảo tồn và phát huy tinh hoa của thế hệ ông cha đi trước.