(VOV5) - Bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, hiện nay có gần 80 hộ dân với khoảng 420 người, đa số là dân tộc Mông.
Đồng bào ở đây chủ yếu theo đạo Tin Lành. Các tín đồ, giáo dân luôn ý thức “sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, phụng sự quốc gia, dân tộc.
Cứ vào sáng Chủ nhật hàng tuần, giáo dân ở bản Sima 2 lại cùng nhau đến nhà sinh hoạt cộng đồng. Mỗi buổi sinh hoạt cộng đồng, bà con đến rất đông đủ để nghe giảng về lòng yêu kính chúa, yêu thương con người, không nghe theo kẻ xấu xúi giục đi lầm đường lạc lối. Dịp này, bà con cũng trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình như trồng cây ăn quả, nuôi trâu bò, làm nương rẫy và cùng ca vang khúc Thánh ca an lành.
Quang cảnh buổi sinh hoạt tôn giáo của giáo dân Bản Sima 2. |
Từ khi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đến nay, việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của bà con rất thuận lợi. Nếu như trước đây, thời gian sinh hoạt tập trung của các điểm nhóm Tin lành phải mất khoảng 20 năm, nay chỉ cần 5 năm sinh hoạt liên tục, thường xuyên, cộng thêm một vài điều kiện khác sẽ chính quyền cấp phép hoạt động. Ông Giàng Hồng Sinh (dân tộc Mông), người phụ trách truyền đạo của điểm nhóm Tin lành Việt Nam miền Bắc ở bản Sima 2, cho biết: "Đối với sinh hoạt tôn giáo không có gì khó khăn, Nhà nước cho sinh hoạt tôn giáo thoải mái, Sở nội vụ tỉnh Điện Biên tạo điều kiện. Trước kia cũng sinh hoạt bình thường nhưng tại gia đình, giờ đăng ký cấp phép rồi. Những điểm nhóm nào có từ 30 - 50 hộ dân trở lên trong xã Chung Chải đều đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Từ 2016 đến nay cấp phép sinh hoạt tôn giáo cho các điểm rất nhanh, bây giờ chỉ còn vài điểm chưa cấp phép còn lại đa số đã được cấp phép".
Ông Giàng Hồng Sinh, người phụ trách truyền đạo Tin lành Việt Nam miền Bắc ở bản Sima 2 |
Các hoạt động tôn giáo như lễ Noel, các lễ thánh, hội thánh... đều diễn ra đúng luật công giáo, đúng pháp luật, quy định của Nhà nước và địa phương. Một số giáo dân trong bản còn tham gia công tác Đảng, Đoàn, hội.. giúp đỡ bà con trong đời sống và sinh hoạt tôn giáo. Chị Vừ Thị Dính, dân tộc Mông, Bản Xi Ma 2, kể: “Thời gian tôi sinh hoạt tôn giáo ở đây được 6 năm. Tôi thường đi cầu nguyện cùng với gia đình và bà con trong bản. Chúng tôi được chính quyền cho phép, tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo, đăng ký sinh hoạt tôn giáo, chấp hành theo chủ trương, pháp luật của Nhà nước".
Chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp điểm sinh hoạt tôn giáo, mở các lớp đào tạo bồi dưỡng Kinh thánh cho những người muốn trở thành mục sư, giúp họ có thể giảng dạy Kinh thánh chuyên sâu hơn. Trong bản Sima 2, có nhiều người dân di cư từ các nơi khác tới. Họ cũng được chính quyền tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng bình đẳng, không phân biệt. Anh Giàng A Thứ, dân tộc Mông, Bản Sima 2, kể: “Quê tôi ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Tôi di cư về đây từ năm 2007. Năm 2011, Nhà nước cấp hộ khẩu cho bà con ở đây. Bà con chúng tôi mỗi người góp ít tiền để làm nhà cầu nguyện. Nhà thờ chúng tôi vừa mới xây dựng 3 năm. Bà con chúng tôi sinh hoạt tôn giáo hàng tuần vui lắm, Chủ nhật là đi lễ cầu nguyện. Nhà thờ lớn như này bà con sinh sống ổn định rồi, sau này có điều kiện bà con xây nhà thờ to hơn".
Sinh hoạt tôn giáo của giáo dân Bản Sima 2 |
Từ nay đến năm 2025, xã Chung Chải đặt mục tiêu hoàn thành 15/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, 13/13 (100%) bản có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và có điện lưới quốc gia. Thời gian qua, xã Chung Chải thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Xã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các chức sắc, chức việc, những người có uy tín, trưởng nhóm đạo ở các bản, làng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ. Ông Pờ Xè Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải, cho biết: “Nhu cầu tín ngưỡng của người dân chúng tôi không ép buộc, tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của tất cả các dân tộc. Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác không nghe theo kẻ xấu bên ngoài xúi giục lôi kéo chống phá Nhà nước. Chúng tôi mời trưởng nhóm đạo vào giao lưu với dân, có lúc chúng tôi vào trực tiếp, cử cán bộ nắm tình hình, hiện tại không có biểu hiện chống đối. Đồng bào làm ăn, sinh sống ổn định, góp phần vào sự phát triển chung của xã".
Bà con giáo dân bản Sima 2 tin tưởng vào các chính sách, pháp luật của Nhà nước, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc, kính Chúa yêu nước”. Các phong trào thi đua yêu nước, nhân đạo từ thiện, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường... được giáo dân tự nguyện thực hiện và đạt hiệu quả cao. Người dân trong bản đoàn kết một lòng, sống tốt đời đẹp đạo, hăng say lao động sản xuất nông nghiệp, cùng nhau xây dựng quê hương bình yên, ấm no, hạnh phúc.