(VOV5) - Cách làm độc đáo của ông Mai Lam Phương đã được Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao.
Ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau có một mô hình làm kinh tế trang trại độc đáo, hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình kết hợp trồng cây thanh long, cây mắm trên ao đầm của lão nông Mai Lam Phương. Mô hình này người ta hay gọi là “thanh long ôm gốc mắm”.
Trên mảnh đất nuôi tôm của gia đình, sau nhiều năm canh tác, ông Mai Lam Phương nhận thấy năng suất tôm ngày càng giảm. Lão nông thử nghiệm các mô hình trồng màu, trồng cây ăn trái trên bờ bao nhưng do đất nuôi tôm nhiễm mặn nặng, không cho hiệu quả. Trong một lần tình cờ bắt gặp giống thanh long bản địa có thể sống được ngay cạnh nước mặt, ông đã nảy sinh ý định chuyển đổi mô hình nuôi trồng.
Năm 2012, ông bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cây thanh long trên cây mắm bờ vuông tôm. Với cách trồng này rễ thanh long lại bám chặt, sống ký sinh, lấy chất dinh dưỡng trực tiếp từ cây mắm. Ban đầu mô hình này mọi người cho là lạ đời, khó thành công, nhưng ông vẫn quyết theo đuổi.
Ông Mai Lam Phương là chủ nhân vườn "thanh long ôm gốc mắm" có một không hai tại Cà Mau. - Ảnh: Trần Hiếu/VOV |
Ông Mai Lam Phương nhớ lại: “Trước đó, cũng có trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang mang về đây nhưng trồng không sống được. Khi đi thấy cây thanh long địa phương ngã xuống nước mặn mà vẫn mọc, vẫn sống được nên đem về trồng. Ban đầu, do không có khả năng kinh tế dựng đổ trụ đá để đỡ cây, nên trồng thanh long bằng cách cho leo lên thân các loại cây trên bờ vuông. Từ đó, cứ cây nào trồng được, phát triển là nhân ra trồng tiếp trên cây đó.”
Đến năm 2014, ông Mai Lam Phương phát triển được khoảng 400 gốc thanh long. Nhiều người bất ngờ vì những dây thanh long leo trên thân cây đước, cây mắm, giá, vẹt... cho trái to tròn, đẹp mắt. Ông cũng trồng thêm các loại cây đặc trưng của hệ sinh thái vùng đất ngập mặn ở địa phương để làm trụ trồng thanh long nhiều hơn. Tuy nhiên, các loại cây đước, giá, vẹt, thậm chí là cây dừa to lớn khi bị thanh long đeo bám dần bị chết khô và những dây thanh long đang cho trái ngọt cũng tàn theo. Chỉ có dây thanh long bám trên thân cây mắm không ngừng sinh trưởng mà bản thân cây mắm vẫn tốt tươi bình thường. Vườn thanh long giữa lòng vùng đất mặn mỗi năm đều đặn giúp gia đình ông có nguồn thu hàng chục triệu đồng.
Ông Phương đã ươm giống và cho cây thanh long cộng sinh với cây mắm lớn lên ngay dưới tán rừng ngập mặn. - Ảnh: Trần Hiếu/VOV |
Ông Mai Lam Phương kể:“Ban đầu tưởng thanh long trồng trên nước mặn thì nó mặn, chát, ai dè quả vẫn thơm ngon, bóng, đẹp hơn thanh long bình thường. Ăn rất ngọt mà lại thơm mùi nhãn, đọng mùi nhãn trong cổ họng nên ngon lắm. Ban đầu giá bán 5 ngàn/kg, sau đó người ta chuộng rồi tăng lên 7 ngàn/kg, hiện giờ bán 10 ngàn/kg vẫn đắt hàng, người dân vẫn chuộng, rất hiệu quả kinh tế.”
Trong thời gian chờ những cây mắm trên bờ vuông tôm đủ lớn để trồng thanh long, ông Phương bắt đầu thử nghiệm ươm giống thanh long vào những chậu nhỏ, sau đó mang treo vào gốc cây mắm dưới vuông tôm nhà mình. Cây thanh long ôm gốc mắm ngay dưới mực nước mặn vẫn phát triển bình thường.
Hiện trên diện tích đất vuông tôm 1 ha của gia đình, nơi nào cây mắm đủ lớn để làm trụ đỡ thì ông đều trồng thanh long và đã được hơn 1.000 gốc. Hiện nay, mô hình “thanh long ôm gốc mắm” đã được ông Mai Lam Phương mở rộng trên diện tích hơn 1 ha và phát triển tốt bất chấp mặn xâm nhập.
Vườn "thanh long ôm gốc mắm" của gia đình ông hiện có hơn 1.000 gốc. - Ảnh: Trần Hiếu/VOV |
Đánh giá về mô hình trồng thanh long của ông Mai Lam Phương, bà Lý Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Cái Nước, nhận định: “Giống thanh long này hồi xưa có trong người dân của mình nhưng qua thời gian dài người dân không quan tâm. Sau đó, anh Phương chọn giống này để thuần hóa lại và trồng trên gốc cây mắm. Nói chung chất lượng thanh long rất ngon, mẫu mã trái rất đẹp. Hơn nữa là đặc tính của cây thanh long nó phát triển hầu như 70% nhờ phần rễ phụ trên thân nên khi bám trên cây mắm, cộng sinh thì phát triển rất tốt.”
Cách làm độc đáo của ông đã được Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao. Đây là mô hình mới, nên khuyến khích cho nông dân áp dụng. Theo các nhà khoa học nông nghiệp mô hình “thanh long ôm gốc mắm” khi được nhân rộng tại vùng đất ngập mặn ở tỉnh Cà Mau sẽ không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn tăng diện dích rừng ngập mặn, giúp cải thiện môi trường sinh thái ở địa phương.