Xã Hà Lâu giờ đây không còn là xã nghèo của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Nhờ đổi mới chăn nuôi, tập trung vào sản phẩm đặc sản của địa phương là "gà Tiên Yên", đời sống của người dân Hà Lâu ngày càng phát triển, sung túc.
Gà Tiên Yên nuôi đúng quy trình, gà mái nuôi 6 tháng, gà trống nuôi 8 tháng mới xuất chuồng. Ảnh: Tuấn Anh |
Cùng với phát triển lâm nghiệp, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, đã đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi gà Tiên Yên, 1 trong những đặc sản của địa phương, với quy mô trên 100.000 con/năm. Gà Tiên Yên, hay còn gọi là gà đồi hay gà râu, là một giống gà bản địa được nuôi thả vườn nên thịt ngọt thơm.
Anh Trần Văn Hoan, dân tộc Tày, ở xã Hà Lâu, cho biết: Từ năm 2014, anh Hoan nuôi thử nghiệm 1.000 con và đến nay, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng trung bình 5.000 con gà thương phẩm. Có được lợi nhuận cao từ con gà, anh Hoan đã tích cực phổ biến kinh nghiệm đến bà con địa phương với mong muốn thương hiệu gà Tiên Yên không chỉ nổi tiếng ở Quảng Ninh, mà còn đến các địa phương khác cũng như xuất khẩu, đem lại cơ hội làm giàu cho người dân Hà Lâu. Không chỉ tuyên truyền, vận động, anh Hoan cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn bà con về cả vốn, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho con gà. Nhiều người dân đã học tập mô hình của anh Hoan và thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Anh Trần Văn Hoan cho biết: "Khi tôi bắt đầu khởi nghiệp, kinh tế gia đình khó khăn. Từ hai bàn tay trắng, giờ tôi xây được nhà, mua được xe ô tô để phục vụ cho công việc mua bán gà. Sau khi chăn nuôi, tôi thấy con gà Tiên Yên đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mỗi năm thu lãi được từ 150 triệu đến 200 triệu đồng (6.00-8.000 USD)."
Gà Tiên Yên được nuôi thả đồi, thức ăn là ngô và thóc nên hương vị thịt thơm ngon, đậm đà. Ảnh: Tuấn Anh |
Năm 2014, xã Hà Lâu có trên 70% là hộ nghèo và cận nghèo... Nhưng từ khi phát triển nghề nuôi gà Tiên Yên, trên địa bàn xã chỉ còn 14,5% hộ nghèo và cận nghèo. Bộ mặt nông thôn của Hà Lâu ngày càng đổi mới, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường giao thông được trải bê tông, thuận tiện cho bà con đi lại, giao thương... Từ năm 2016, gia đình anh Tằng Hình Vinh, dân tộc Dao, ở xã Hà Lâu, phát triển chuồng trại nuôi với số lượng lớn khoảng 5000 con/năm và thu nhập từ con gà Tiên Yên giúp anh cải thiện đời sống, đầu tư cho các con học tập. Gà Tiên Yên nuôi đúng quy trình, 2 tháng đầu cho ăn cám, thời gian còn lại cho ăn ngô, thóc. Gà mái nuôi 6 tháng, gà trống nuôi 8 tháng thì bắt đầu thu hoạch. Sản phẩm không lo đầu ra vì được thương lái và người dân vào tận nơi thu mua.
Anh Tằng Hình Vịnh chia sẻ:"Gà Tiên Yên dễ tiêu thụ hơn so với giống gà khác. Cứ đến lúc thu hoạch là chỉ 1 đến 2 tuần là bán hết cả đàn. Bán lẻ cũng có, bán cho thương lái cũng có. Gà Tiên Yên đã có thương hiệu, mọi người đã tìm mua, nên người dân không lo việc tiêu thụ. Nhiều hộ mới chăn nuôi cũng tiêu thụ rất mạnh."
Từ lúc chỉ có vài hộ nuôi với quy mô nhỏ thì hiện nay, Hà Lâu đã là xã nuôi gà Tiên Yên có tiếng của huyện. Chính quyền xã kết nối nông dân với doanh nghiệp, ngân hàng, nhằm giúp người chăn nuôi ổn định nguồn vốn. Đồng thời, người nuôi gà ở Hà Lâu được hỗ trợ về công tác thú y, kiểm dịch bệnh. Chính quyền đồng hành với người dân từ khâu sản xuất, quản lý trang trại đến tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu bảo tồn và phát triển giống gà Tiên Yên theo quy mô lớn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, quyền Chủ tịch xã Hà Lâu, cho biết: "UBND xã Hà Lâu đã ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai đến các thôn, hộ dân, phối hợp với đoàn thể, tuyên truyền, vận động. Đến nay, trên 80 hộ nông dân nuôi gà Tiên Yên theo hình thức trang trại. Hộ ít thì chăn nuôi khoảng 500 con, hộ nhiều 5000 con/năm. Xã đã kết nối với các đầu mối chợ, như: Tiên Yên, Bình Liêu, một số chợ khu vực Đình Lập, thành phố Lạng Sơn... để các hộ chăn nuôi kết nối tiêu thụ sản phẩm gà Tiên Yên."
Gà Tiên Yên được xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của huyện Tiên Yên và tỉnh Quảng Ninh. Nghề nuôi gà Tiên Yên đang ngày một phát triển, giúp bà con các dân tộc nơi đây xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.