(VOV5) - Được xem là tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn nhưng trong nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đã từng bước phát triển tích cực, sản xuất ngày càng tiến bộ, đời sống, tinh thần của đại bộ phận người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa được nâng lên rõ rệt.
|
Nông thôn mới Sóc Trăng (Ảnh: Soctrang.gov.vn) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Về Sóc Trăng những ngày này, dễ dàng nhận thấy là mạng lưới giao thông của địa phương đã được mở rộng, đan xen, tạo thành một mạng lưới len lỏi đến từng xóm, từng ấp, từng khu dân cư. Những đường đất sình lầy trước đây đã được thay thế bằng đường bê tông phẳng lỳ, đưa những chiếc ô tô, các phương tiện công cộng, dịch vụ đến tận các trung tâm xã, hay những chiếc xe gắn máy chạy bon bon đến từng xóm, ấp. Tất cả làm bừng lên sức sống mới của những vùng quê, vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn. Ông Đào Đơ ở xã Long Phú, huyện Long Phú, chia sẻ: "So với các năm trước thì các năm gần đây, kinh tế từng hộ dân trên địa bàn xã Long Phú làm ăn phát triển nhờ hệ thống giao thông nông hoàn chỉnh. Về chăn nuôi, trồng trọt cũng phát triển vì giao dịch, buôn bán thuận lợi".
Xác định công tác phát triển hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư, đưa vào khai thác nhiều tuyến đường trọng điểm, huyết mạch như là Quốc lộ 60, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, cho đến tuyến đường tỉnh, đường huyện, xã… chạy qua hầu hết các địa phương trên địa bàn, tạo nên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông liên hoàn. Hệ thống giao thông này là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ có hiệu quả cho việc sản xuất, vận chuyển, nâng cao giá trị, chất lượng hàng hóa, sàn phẩm, nâng cao chất lượng giao thông đi lại, đời sống, vật chất tinh thần của người dân khu vực nông thôn Sóc Trăng.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 5 năm 2010-2014, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây mới gần 1.000 km đường giao thông. Trong đó, giao thông nông thôn chiếm hơn 85% với gần 830km ở hầu khắp các xã trên địa bàn. Ông Lương Minh Quyết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mỹ Xuyên, nhận định: "Tôi cho rằng đường tỉnh lộ 940 đối với tỉnh Sóc Trăng là công trình đặc biệt quan trọng. Tổng chiều dài tỉnh lộ này gần 50 km, đi qua 4 huyện, thì Mỹ Xuyên đã hưởng lợi gần 20 km. Đường kết nối 3 tuyến Quốc lộ gồm Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 1A và Nam Sông Hậu, giúp mở ra một diện mạo mới cho vùng nông thôn Mỹ Xuyên, giải quyết giao lưu hàng hóa của bà con. Bà con sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản rất là thuận lợi".
Cũng trong 5 năm qua, địa phương đã tập trung hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư hệ thống giao thông nông thôn. Các xã của tỉnh có đường ô tô đên trung tâm cũng đạt gần 94%.
Trong thời gian tới, Sóc Trăng phấn đấu xây dựng hệ thống giao thông nông thôn trên toàn tỉnh. Tỉnh cũng dự kiến triển khai đầu tư 779 công trình giao thông trên toàn tỉnh với kinh phí hơn 1000 tỷ đồng từ nay đến năm 2020. Ông Trần Anh Việt, Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Với quyết tâm là làm thế nào để giao thông phải đi trước một bước, để tạo tiền đề phát triển các ngành kinh tế khác, trong kế hoạch tới đây là phải hoàn thiện, tập trung từng bước nâng cấp các hệ thống đường tỉnh, đường huyện, Đặc biệt là phát triển giao thông nông thôn toàn diện hơn, đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí giao thông mới mà Bộ Giao thông đã ban hành. Với việc này thì chúng tôi sẽ cố gắng cùng với các địa phương làm thế nào để phát huy hơn nữa, vận động cũng như là tranh thủ tất cả các nguồn vốn để mà đầu tư, mở rộng mạng lưới giao thông, nâng cao cái việc quản lý, khai thác có hiệu quả".
Hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh đã đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng. Bộ mặt nông thôn cũng từ đó có sự khởi sắc rõ nét, đời sống người dân từng bước thay đổi theo những con đường tỉnh lô, liên thôn, liên xã.