(VOV5) - Tỉnh Phú Yên hướng đến xây dựng Xí Thoại thành điểm du lịch cộng đồng để quảng bá, giới thiệu với khách du lịch về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Ba Na.
Xí Thoại là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cũng là làng nghề truyền thống đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có thời điểm, nghề dệt ở đây bị mai một. Nhưng gần đây, nghề đã hồi sinh nhờ vào các chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghệ nhân Sò Thị Chuyển dệt thổ cẩm. Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại hình thành từ năm 1945. Ban đầu, các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần dần được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, rồi duy trì cho đến nay. Nét độc đáo trên các sản phẩm của Xí Thoại là các họa tiết với những hình khối đối xứng, phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời - đất, âm - dương lấy thiên nhiên làm hình mẫu… Những hoa văn trên bề mặt vải thể hiện cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Chị Sò Thị Chuyển, nghệ nhânlàng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cho biết: “Đặc sắc nhất là đan máy chỉ có một mặt thôi, còn như dệt bằng tay ở Phú Yên có hai mặt, mặt trước, mặt sau rất rõ nét. Trang phục nam và trang phục nữ, hoa văn cũng tương tự nhưng khác nhau là nam thì có áo khoác ngắn tay, còn nữ thì có áo dài tay. Đặc biệt, trang phục nữ có những phụ kiện làm từ cây tên Ca liếc. Cây này ra hoa, ra trái, già rồi mới lấy hạt, phơi thêm 2-3 nắng nữa mới gắn lên áo. Điểm khác biệt nữa là có một cái mũ quấn lên đầu, có một dây để mình thả tóc rồi quấn lên. Lẽ hội là mình phải mặc những trang phục này, dệt xong một bộ này chắc cũng hơn 1 tháng”.
Trong những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với ngành nghề nông thôn, nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại đã phát triển thêm một bước mới. Khi mới khôi phục năm 2000, tổ dệt thổ cẩm có 16 chị em giỏi nghề, đam mê với công việc dệt vải, thêu hoa. Đến nay, đã có hơn 40 chị em tham gia.
Các trang phục thổ cẩm của làng nghề Xí Thoại. Ảnh: VOV |
Nhà rông thôn Xí Thoại giờ là nơi để chị em trong buôn cùng có mặt sau những giờ lên rẫy. Những sắc màu tạo nên những tấm thổ cẩm đa sắc đã được người lớn tuổi dạy cho người trẻ hơn. Nhiều phụ nữ trong làng không dấu được niềm vui khi những sản phẩm vốn gần gũi, thân quen trong mỗi gia đình giờ đã được nhiều chị em biết dệt, biết phối màu và họ không còn nỗi lo nghề dệt thổ cẩm ở buôn làng mình sẽ mai một. Chị La O Thị Tím, thôn Xí Thoại, chia sẻ: “Tôi rất mừng khi nghề dệt đã hồi sinh trở lại. Nghề này tôi được bà, được mẹ truyền dạy cho tôi và các chị em… sau nay tôi lại truyền dạy cho các con, các cháu”.
Năm ngoái, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định công nhận làng nghề đối với làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại. Huyện cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề để sản xuất bền vững. Qua đó, giúp người dân trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của ông, cha để lại. Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: “Huyện đã giới thiệu nhiều nghệ dân đi học thêm ở các địa phương khác. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm đầu tư để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp bà con tăng thu nhập để duy trì làng nghề”.
Nằm trong các hoạt động quảng bá về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, ngày 15/4 vừa qua, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức, giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội. Đến với sự kiện, du khách trong nước và quốc tế được thưởng thức tài nghệ dệt thổ cẩm trên khung cửi của các nghệ nhân làng Xí Thoại, được hướng dẫn mặc trang phục của người Ba Na, được tìm hiểu ý nghĩa của hoa văn cũng như các phụ kiện trên trang phục.
Trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên hướng đến xây dựng Xí Thoại thành điểm du lịch cộng đồng để quảng bá, giới thiệu với khách du lịch về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Ba Na, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho bà con nơi đây.