(VOV5) - Không ồn ào, náo nhiệt như các thành phố, Xuân về với các bản làng miền núi có vẻ đẹp khác biệt.
Đó là vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt, đậm chất hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng và con người vùng cao. Xuân mới đã đến với Bản Ca yên bình, mộc mạc và cuộc sống người dân nơi đây thay da, đổi thịt, ấm no, hạnh phúc từng ngày.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Trong cuộc kháng chiến, Bản Ca (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc. Người ở Bản Ca từ ngày 7/12/1947 đến cuối tháng 12/1947. Ngày 28/6/1996, Bản Ca được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Bản Ca với 90% số hộ là đồng bàn dân tộc Dao vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Ảnh: Công Luận/VOV |
Con đường tới Bản Ca trải nhựa thênh thang, men theo con suối và lượn theo những chân đồi. Bản Ca có hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Ông Bàn Văn Lương, một người dân Bản Ca, chia sẻ trước đây khu vực này vẫn là đất trống, đồi trọc. Nay mỗi ha có thể cho thu nhập cả trăm triệu đồng và những ngôi nhà mới được xây dựng trong bản đều nhờ đồi rừng mang lại: "Ngày xưa cuộc sống khó khăn, bây giờ thì khác hẳn. Rừng được trồng khá nhiều, trước đây gần như không có. Thứ hai nữa là làm ruộng cũng khác ngày trước, bây giờ có phân bón đầy đủ, có kỹ thuật. Trước thì điện thoại, ti vi không có. Bây giờ là nhờ Nhà nước hướng dẫn làm ăn nên bà con có cuộc sống khá hơn, điện, đường, trường, trạm có đầy đủ rồi. Cuộc sống người dân trong thôn cũng khá hơn trước."
Vài chục năm trước, có được cơ ngơi, cuộc sống như giờ là điều ông Lương và người dân Bản Ca không dám nghĩ đến. Khi ấy, người dân trong bản chủ yếu trồng ngô, lúa, lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên cuộc sống khi no lúc đói, nhất là mùa giáp hạt. Sự đổi thay thực sự bắt đầu khi Chi bộ thôn Bản Ca xây dựng Nghị quyết về tăng cường phát triển nông nghiệp, tập trung vào trồng rừng và chăn nuôi với sự đi đầu của cán bộ, đảng viên và người có uy tín trong bản. Đến nay, diện tích rừng trồng của bản đã lên đến trên 400 ha với các loại cây chủ yếu là keo, quế và cây mỡ. Từ bán gỗ rừng, nhiều nhà có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, giúp diện mạo Bản Ca có nhiều thay đổi.
Bí thư Chi bộ thôn Bản Ca Bàn Văn Ðức phấn khởi kể: "Trước đây Bản Ca là thôn vùng sâu, vùng xa, bây giờ được Đảng, Nhà nước đầu tư mọi công trình đường, điện... Người dân mới tiếp cận, một số biết áp dụng khoa học kỹ thuật nữa và biết gọi chú trọng làm ăn, để tích lũy thì cuộc sống đã được khá giả."
Người Dao ở Bản Ca lấy kinh tế rừng làm hướng đi mũi nhọn. Ảnh: Công Luận/VOV |
Những năm gần đây, Bản Ca cũng là điểm sáng trong lưu giữ văn hóa, phong tục đẹp của dân tộc Dao. Năm 2021, Câu lạc bộ hát Pá Dung Bản Ca được thành lập với 20 thành viên. Ngoài tổ chức biểu diễn vào các dịp lễ, tết của bản, các thành viên Câu lạc bộ thường xuyên tham gia các chương trình, sự kiện văn hóa trong huyện, trong tỉnh; sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Pá Dung để nghiên cứu cũng như truyền dạy lại cho thế hệ con cháu sau này.
Người Dao ở Bản Ca vui mừng trong những ngày đầu năm mới, mừng một năm trồng rừng thắng lợi. Và Câu lạc bộ hát Pá dung của Bản Ca cũng trình diễn những điệu hát hay nhất, ý nghĩa nhất để mừng Xuân, mừng bản làng đổi mới. Ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Trung, cho biết: "Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo về an ninh quốc phòng tại Bản Ca, chính quyền địa phương chúng tôi đã định hướng cụ thể. Thứ nhất, về khu di tích lịch sử Bản Ca sẽ kiến nghị, đề nghị cấp trên để trùng tu, cải tạo, nâng cấp và làm sao cho xứng tầm với một di tích lịch sử quốc gia. Còn về phát triển kinh tế xã hội, chúng tôi vận động, định hướng cho bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tăng gia sản xuất và đặc biệt là phát triển kinh tế rừng để nâng cao đời sống."
Sắc Xuân của núi rừng đang tràn ngập Bản Ca. Phát huy truyền thống cách mạng, những người Dao ở bản Ca xây dựng cuộc sống để bản Ca hôm nay trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế ở vùng An toàn khu (ATK) Chợ Đồn năm xưa