(VOV5) - Làng gốm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) là một trong những làng gốm nổi tiếng với nhiều sản phẩm gốm độc đáo và đa dạng.
Từ cuối thế kỷ XIX đến nay gốm Biên Hòa đã lừng danh trên thế giới với những sản phẩm được xem là quý hiếm, đặc biệt đối với những người đam mê sưu tầm gốm cổ.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Làng gốm Biên Hòa nằm ven sông Đồng Nai với hơn 300 năm tuổi. Làng nổi tiếng với các phường gốm Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An… và cụm gốm Trường Mỹ thuật thực hành Biên Hòa. Gia đình bà Mai Ngọc Nhi, chủ lò gốm Phong Sơn (Biên Hòa, Đồng Nai), đã có 5 đời làm gốm. Hằng ngày, lò gốm cổ Phong Sơn mở cửa để đón các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu và trao đổi học thuật về nghề gốm cổ Biên Hòa.
Bà Mai Ngọc Nhi - chủ tiệm Gốm Studio. Ảnh: Duy Phương/VOV |
Bà Mai Ngọc Nhi cho biết: "Gốm Biên Hòa đặc thù là hàng vẽ tay, nhờ vẻ đẹp mỗi sản phẩm không giống nhau nên khách hàng ưa chuộng. Làng nghề là quan trọng, sản phẩm gốm làm ra tốt. Tôi vẫn thích làng nghề thủ công hơn gốm công nghiệp."
Trước đây, gốm Biên Hòa còn có trường dạy nghề gốm ở Đông Dương được mở vào năm 1903. Thời kỳ này chính là thời kỳ hoàng kim và hưng thịnh nhất của làng gốm với tiếng vang lớn khắp các hội chợ quốc tế ở Pháp, Nhật Bản… Đó là sự kết hợp phong cách làm gốm của cả Việt Nam với gốm Trung Quốc và gốm Pháp. Người ta có thể dễ dàng thấy được các đề tài trang trí trên gốm Biên Hòa thường mang phong cách Trung Quốc với các hình ảnh Tứ quý, tứ linh hay những bài thơ từ chữ Hán hay hình ảnh tượng các thần Siva,Vishnu và Brama của Ấn Độ được người dân tộc Chăm ở Việt Nam tôn sùng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Gốm Biên Hòa khác biệt độc đáo ở màu men, kiểu dáng và đặc biệt là kỹ thuật trang trí hoa văn. Sau này, sản phẩm gốm Biên Hòa không còn giống như trước đây, bởi nếu chỉ chú trọng về nghệ thuật thì việc kinh doanh không thuận lợi, do giá thành buộc phải cao."
Các sản phẩm của làng gốm Biên Hòa đa dạng về thẩm mỹ bởi cách thể hiện của mỗi nghệ nhân. Nét đặc trưng của gốm Biên Hòa đó chính là việc pha chế men cũng như yếu tố kỹ thuật cao của người thợ làm gốm.
Gốm Biên Hòa nổi tiếng thế giới với màu men “xanh đồng trổ bông độc đáo”. Mỗi lò gốm đều giữ riêng bí mật về kỹ thuật pha chế men gốm. Khâu chấm men luôn được xem là khâu quan trọng nhất đòi hỏi người thợ phải là người có kinh nghiệm lâu năm. Nếu không, khi nung, sản phẩm dễ bị biến dạng.
Nghệ nhân Nguyễn Minh Hùng cho biết: "Khắc men chìm để men chấm không bị loang, nhòa nét này với nét kia. Nổi hoa văn lên nó đẹp. Đặc trưng của gốm Biên Hòa là hoa văn nét nhỏ và sâu."
Ngày nay, do nhiều yếu tố, như: kiểu dáng, mẫu mã của dòng gốm Biên Hòa vốn thiên về mỹ nghệ, ít chú trọng đến sản phẩm gia dụng hằng ngày cũng như vấn đề môi trường nên các lò gốm trong làng phải thay đổi kỹ thuật nung.
Gốm Biên Hoà với màu men và kỹ thuật trang trí độc đáo. Ảnh: Duy Phương/VOV |
Để quảng bá hình ảnh gốm Biên Hòa, ông Nguyễn Việt Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, cho biết hằng năm bảo tàng đều tổ chức triển lãm chuyên đề về gốm, biên soạn những cuốn sách về gốm: "Tỉnh Đồng Nai đang có chủ trương thành lập bảo tàng gốm. Khi có bảo tàng gốm, chắc chắn rằng trong nhiều loại gốm thì gốm Biên Hòa phải là dòng gốm nổi bật, giúp đến gần với công chúng hơn, phát huy giá trị tốt hơn trong thời gian tới."
Làng gốm Biên Hòa hiện đang tăng tốc phát triển nhờ vào các chính sách đổi mới và sự khuyến khích phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp của Chính phủ. Hiện nay các sản phẩm của làng gốm Biên Hòa đã được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và một số nước châu Âu. Làng gốm Biên Hòa vừa sản xuất gốm vừa kết hợp khai thác du lịch làng nghề để lưu giữ và bảo tồn nét truyền thống của làng gốm đã có tuổi đời hàng trăm năm.