(VOV5) - Đối với mỗi tác phẩm, khi mình đã say mê thì lúc nào cũng là mới mẻ. Và mình trải nghiệm nó, thể hiện nó với tất cả sự hào hứng, hăm hở.
Diệu Hà được biết đến với vai trò một nhà biên kịch, và giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cũng như người Việt ở nước ngoài. Thế nhưng với niềm đam mê âm nhạc, Diệu Hà vẫn thường xuyên đi hát, để rồi mới đây cô cho ra mắt MV Quê hương ơi như một là lời chào sân chính thức với sân chơi ca hát.
Tiếp ngay sau đó, Diệu Hà cho phát hành MV Tình ca (nhạc sĩ Phạm Duy), đồng thời công bố dự án âm nhạc Diệu Hà hát nhạc Phạm Duy lấy tựa đề Nghìn trùng xa cách, hợp tác cùng nhạc sĩ - nhà sản xuất Nguyễn Hữu Vượng. 9 ca khúc mà nhà sản xuất Nguyễn Hữu Vượng và Diệu Hà lựa chọn cho dự án là những tác phẩm về tình yêu quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi, hay những hồi ức về quá khứ, chiêm nghiệm về cuộc đời...
Ca sĩ Diệu Hà |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Những người yêu nhạc xưa, đặc biệt là âm nhạc Phạm Duy chắc hẳn đều không còn lạ gì ca khúc “Con đường tình ta đi”. Cùng với “Ngày xưa Hoàng Thị”, hai ca khúc này là những bài hát về tình yêu học trò, trải dài suốt những năm tháng hoa niên của mỗi người. Diệu Hà nghĩ rằng khi mọi người lắng nghe những giai điệu và ca từ thì đâu đó sẽ bắt gặp hình bóng của mình, hay của những người mình quen biết, hay những câu chuyện tình yêu trong sáng, ngây thơ, lãng mạn ở đâu đó mà mình đã từng đọc được.
Diệu Hà vốn là người hát dòng nhạc trữ tình. Sau một thời gian gián đoạn công việc ca hát để dành cho gia đình, cho con cái – đó cũng như một thời gian để mình lắng lại, quan sát và chiêm nghiệm cuộc sống, Diệu Hà thấy rằng nhạc xưa cùng những câu chuyện tâm tình, những chiêm nghiệm sao mà gần gũi, ý vị đến thế. Vậy là Hà nghe nhạc xưa nhiều hơn, và cái duyên đã đưa Hà đến với âm nhạc Phạm Duy. Yêu những sáng tác của ông, đọc hiểu ca từ và mình cảm thấy dường như Phạm Duy không viết cho chính mình mà ông đang viết cho mọi người. Gần như mỗi tác phẩm của ông lại là một câu chuyện về đời sống, về nhân sinh, về tình đời, tình người. Bây giờ thì nhạc sỹ Phạm Duy đã đi xa, nhưng giữa những biến cố của lịch sử hay sự trôi chảy của xã hội, vẫn có bóng dáng của ông ở đâu đó để ông lắng nghe, ông hát và ông kể.
Mọi người nói rằng tại sao Diệu Hà chọn nhạc xưa, chọn Phạm Duy – khó thế! Rồi lại rất liều lĩnh khi chọn những tác phẩm đã rất nổi tiếng, gắn với tên tuổi của những danh ca gạo cội. Hà lại nghĩ rằng quan trọng nhất là mình yêu nó, mình cảm được nó, và mình thích câu chuyện được kể ở đó. Người sáng tác, người biểu diễn, khán giả đều là những người đồng sáng tạo. Mình có thể cảm nó theo cách của mình, và mình sẽ kể theo cách của mình, bằng tâm hồn chính bản thân mình. Cứ hồn nhiên như thế thì khi cảm xúc đã đạt đến mức độ nào đó, sẽ có được sự đồng điệu với người nghe.
Kho tàng âm nhạc của Phạm Duy rất đồ sộ - ông để lại trên dưới 2.000 tác phẩm. Nếu xem kho tàng đó như một khu rừng thì Diệu Hà chỉ như một chú chim non mới ra ràng, và dẫu có dành ra cả đời thì Hà cũng không khám phá hết được khu rừng âm nhạc này. Thế nhưng càng khó thì Hà càng thích, càng cho Hà sự thôi thúc muốn trải nghiệm. Đối với mỗi tác phẩm, khi mình đã say mê thì lúc nào cũng là mới mẻ. Và mình trải nghiệm nó, thể hiện nó với tất cả sự hào hứng, hăm hở. Trong 9 bài của album này, có những bài Hà đã hát nhiều lần nhưng khi nhận được bản hòa âm mới thì mình đã mất ngủ, rồi phấn khích, rồi đem đi thu và nghe lại bản thu âm... Rồi thấy không hài lòng thì lại đem thu lại... Có khi vào phòng thu, bỗng dưng hát được một cái nốt mà ngay bản thân mình cũng bất ngờ - đó mới chính là cái nốt mà mình cần!
Trong dự án âm nhạc lần này, Diệu Hà rất may mắn khi nhận được sự hợp tác của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Vượng. Thực ra Diệu Hà đã biết anh Vượng từ khi còn học ở Học viện âm nhạc quốc gia. Hồi đó Hà hát nhạc thính phòng, và anh Vượng đã tặng Hà một bản beat ca khúc “Mẹ yêu con” (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý). Diệu Hà yêu màu nhạc của anh Vượng từ ngày đó, và ấp ủ rằng sau này khi làm một dự án âm nhạc thì sẽ nhất định mời bằng được anh ấy. Nhạc sỹ là một người rất tinh tế trong gu âm nhạc và gu sáng tác. Đặc biệt, anh không bao giờ cho phép mình lặp lại người khác cũng như lặp lại chính bản thân mình. Vì thế nên được làm việc với anh, được nhận những bản hòa âm của anh, bài nào Hà cũng nghĩ xem mình phải thể hiện như thế nào để phần hát của mình xứng đáng với phần âm nhạc của anh.
Đến giờ thì các tác phẩm trong dự án đã lần lượt ra mắt. Sau một thời gian dài mới quay trở lại với âm nhạc, đặc biệt, lại không phải đi tiếp hay hát những bài mang màu sắc dân gian sở trường, Hà đến với một dòng nhạc khác – với những thử thách và đòi hỏi sự trải nghiệm. Hà nghĩ rằng với niềm hăm hở và những tâm huyết của mình, sẽ được mọi người đón nhận tích cực.