Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: “Tôi cứ đi theo xẩm, dấn thân cho xẩm, lao đẩu vào xẩm một cách tự nguyện“

(VOV5) - Âm nhạc của xẩm có thể phục vụ mọi đối tượng khán giả, mọi cảm xúc của con người...

Hát xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt, đặc biệt là tại các địa phương đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, với cuộc sống phồn hoa nơi thị thành và kẻ chợ… Đã từng có giai đoạn, người dân rất quen thuộc với tiếng hát xẩm ngày xuân. Tuy nhiên, do sự thay đổi thời cuộc, đã từng có giai đoạn nghệ thuật hát xẩm gần như không còn tồn tại với hình thái xã hội vốn có và dần rơi vào lãng quên. Và rồi nhiều năm trở lại đây, với nỗ lực phục hồi nghệ thuật hát xẩm, các nhóm xẩm và các nghệ sĩ của dòng nhạc dân tộc đã giúp xẩm trở nên quen thuộc hơn với khán giả trong và ngoài nước. Công chúng cũng quen dần với việc ngày xuân có tiếng hát xẩm. 

BTV Bảo Trang trò chuyện với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người đã có công rất nhiều trong việc gìn giữ nghệ thuật hát xẩm. Các bạn cũng sẽ nghe tiếng hát của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà thành với những bài xẩm nhân mùa Tết đến.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

"Mỗi khi Tết đến, nhóm Xẩm Hà thành đều mong muốn sẽ có những sản phẩm hát xẩm dành cho tết. Người bạn đồng hành của Mai Tuyết Hoa – nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng luôn đau đáu với những ý tưởng như vậy. Tết năm ngoái, tôi đã thúc giục Nguyễn Quang Long làm bài xẩm Tết. Quang Long khi ấy đã có sẵn một tứ thơ rất hay, và chúng tôi quyết tâm làm một MV xẩm dù đã rất cận Tết rồi. Chúng tôi đã huy động nhóm đến thu âm ngay, và rất may được nhà thiết kế Cao Minh Tiến tài trợ trang phục. Kết quả là chúng tôi có được MV Tết Việt rất rộn ràng. Khi ra mắt, MV đã được khán giả đón nhận vô cùng – đó là niềm hạnh phúc của những người làm nghề, của nhóm Xẩm Hà thành chúng tôi.

Tôi vẫn luôn nói với mọi người rằng đừng bao giờ nghĩ xẩm là buồn. Xẩm là loại hình âm nhạc có thể lột tả mọi cảm xúc của con người, trong đó buồn chỉ là một góc thôi. Xẩm có thể rất vui, và tính lạc quan trong đó rất nhiều. Ví dụ như thân phận con người cho dù có nghèo khổ hay có khuyết tật gì đi chăng nữa thì những bài xẩm vẫn luôn có tính lạc quan, đồng thời truyền cảm hứng đó cho rất nhiều người. Khi muốn thể hiện nỗi buồn, thì xẩm sẽ buồn vô cùng, buồn thê lương; nhưng khi muốn vui thì xẩm cũng có thể ngang tầm với rock hay rap. Chính vì thế, âm nhạc của xẩm có thể phục vụ mọi đối tượng khán giả, mọi cảm xúc của con người...

Mai Tuyết Hoa đến với xẩm rất tình cờ, cứ như là đến thời điểm đó của cuộc đời là tôi bước vào xẩm. Hồi bé, đi học nhạc tôi vẫn chưa biết xẩm là gì. Đến khi lớn lên, tiếp xúc nhiều hơn với âm nhạc, đặc biệt là khi học nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc và làm đề tài tốt nghiệp thì tôi đã chọn đề tài về nghệ thuật hát xẩm. Và cứ thế từ đó đến giờ tôi cứ đi theo xẩm, dấn thân cho xẩm và thậm chí là lao đẩu vào xẩm một cách rất tự nguyện.

Tôi rất tự hào khi cũng gặt hái được những thành công nhất định khi đã nguyện hi sinh cho xẩm, dấn thân vì xẩm. Tôi là người đầu tiên đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại với công chúng. Năm 2005, lần đầu tiên sân khấu xẩm được tái hiện tại chợ Đồng Xuân, phố cổ Hà Nội và đến giờ vẫn được duy trì vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần. Đó đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người Hà Nội và du khách thập phương đến với Hà Nội. Tôi cũng là người đầu tiên khởi xướng “Liên hoan nghệ thuật hát xẩm” tại Ninh Bình. Với những điều đó, tôi nghĩ rằng mình có quyền tự hào vì đã làm cho xẩm có được sức vóc như ngày hôm nay. Tôi cũng nghĩ rằng còn có nhiều người đang cống hiến một cách thầm lặng cho xẩm. Đó là những nhà nghiên cứu, những bạn đồng nghiệp, những thành viên tích cực của nhóm Xẩm Hà Thành đã đồng hành cùng tôi nhiều năm qua. Tôi rất cảm ơn các bạn đã hi sinh cùng tôi, dấn thân cho công cuộc này một cách tự nguyện. Thật hạnh phúc khi khán giả ghi nhận những nỗ lực đó của chúng tôi!".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác