(VOV5) - "Những khoảnh khắc giao thừa cùng đồng nghiệp như thế đã trở thành những kỉ niệm khó quên của tôi trong cuộc đời quân ngũ".
Là tác giả của nhiều sáng tác đề tài tình yêu hay bảo vệ môi trường có sức lan tỏa rộng, nhạc sĩ An Hiếu cũng sở hữu nhiều sáng tác viết về người lính – một đề tài đòi hỏi sự quan sát, tài năng cũng như tâm huyết của người sáng tạo. Những ca khúc của anh được nhiều người yêu thích và có sức cổ vũ, động viên lớn, bởi sự thấu hiểu trái tim người lính thích hát những gì, cần nghe những gì... Hình ảnh người lính trong sáng tác của nhạc sĩ An Hiếu không còn là người lính trong chiến tranh mà là những người lính của ngày hôm nay, được thể hiện qua những lời ca đương đại, gần gũi và thực hơn rất nhiều trong mắt thế hệ trẻ.
Nhạc sĩ An Hiếu |
BTV Bảo Trang trò chuyện với nhạc sĩ An Hiếu về mảng ca khúc với đề tài người lính của anh, trong đó có những ca khúc với chủ đề “Tết của lính”.
"Lúc đầu, tôi muốn sáng tác một tác phẩm dành cho các sinh viên của mình sắp tốt nghiệp, cần làm một chương trình trọn vẹn về đề tài người lính. Và thật may mắn khi ca khúc “Tết của lính” ra đời đã được nhiều người đón nhận và sau này đã bước ra khỏi khuôn khổ của một cuộc thi. “Tết của lính” được viết khi tôi trải qua những cảm xúc chứng kiến một cái Tết xa nhà của những người lính, họ quây quần cùng nhau gói bánh chưng, tâm sự với nhau, động viên nhau để cùng vượt qua thời khắc có đôi chút nhạy cảm với những xao động khi đón Tết xa nhà.
Tại trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nơi tôi đang công tác có một cái nếp rất hay, đó là vào đúng đêm giao thừa, những giảng viên, cán bộ trong trường thường cùng nhau đến trường để cùng với những người được phân công trực, chúng tôi thắp hương trên bàn thờ, sau đó nâng ly rượu mừng và chúc nhau một năm mới tốt lành. Cảm giác đó tôi nghĩ là chỉ có những người lính mới có, bởi những cơ quan khác thường đến thời khắc giao thừa là mọi người đều về nhà đón tết rồi. Những khoảnh khắc giao thừa cùng đồng nghiệp như thế đã trở thành những kỉ niệm khó quên của tôi trong cuộc đời quân ngũ.
Khi trò chuyện với những đồng chí vệ binh, các bạn nói rằng vào những thời khắc của Tết họ thường nhớ đến quê nhà, nơi có bố mẹ và những người thân của mình. Đặc biệt, những người lính trẻ cũng rất nhớ người yêu đang ở xa. Ngày trước, thế hệ cha ông, những người lính xa nhà khi nhớ nhau thường gửi những cánh thư. Giờ mọi thứ đã khác nhiều rồi, dù thi thoảng vẫn có những lá thư viết tay do đơn vị quy định khi trực chiến, nhưng đó không phải là hình ảnh quen thuộc nữa. Tôi vẫn còn nhớ thế hệ của chúng tôi, mỗi khi ai đó nhận được thư nhà thì đều trở thành niên vui chung của cả trung đội, mọi người quây quần cùng nhau đọc thư để chia sẻ niềm vui với đồng chí, đồng đội của mình. Và tôi đã viết một tác phẩm tả lại những hình ảnh rất đẹp đó, bài hát “Thư nhà”.
Năm 2024, tôi có một dự án gồm 30 tác phẩm là những bài ca đi cùng năm tháng được phối khí mới mẻ, trẻ trung, và bắt trend. Trong số những người đồng nghiệp, đồng chí của tôi có rất nhiều nghệ sĩ rất giỏi, từng đoạt nhiều giải thưởng quốc gia nhưng vì lý do nào đó mà công chúng chưa biết nhiều đến họ. Dự án này xuất phát từ suy nghĩ giản đơn của tôi là tôi muốn khoe những đồng nghiệp ấy với tất cả niềm tự hào của mình. Thêm nữa, tôi rất yêu những bài ca đi cùng năm tháng, nhưng cũng có những bài rất hay mà mọi người ít nghe thấy. Vậy là trong điều kiện của mình về khả năng phối khí, khả năng sản xuất, và tôi lại có một cơ sở để có thể thu thanh, thu hình, nên tôi đã đứng ra làm. Rất may là những nghệ sỹ nổi tiếng trong quân đội đều ủng hộ tôi 100%, họ hát bằng tất cả niềm say mê và thể hiện thế mạnh của mình. Các tác phẩm này được biên tập và phối lại để có thể chinh phục được nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt các bạn trẻ vẫn cảm thấy những điều rất đẹp đẽ và yêu mến những bài ca ấy"...