(VOV5) - Trong 20 năm qua, toàn bộ các thành viên mới của EU trong đợt kết nạp đó đều có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm cao hơn các thành viên cũ.
Sau 20 năm tiến hành đợt mở rộng lớn nhất về phía Đông, giới chuyên gia đánh giá Liên minh châu Âu (EU) đạt nhiều thành tựu về kinh tế nhưng hiện đang đứng trước bước ngoặt mới, đòi hỏi những cải tổ sâu rộng để tiến hành đợt Đông tiến lớn lần thứ 2.
Ngày 01/05/2004, Liên minh châu Âu tiến hành đợt mở rộng lớn nhất kể từ khi khối này thành lập, khi kết nạp 10 quốc gia Trung- Đông Âu, Baltic và Nam Âu, gồm: Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Slovenia, Latvia, Lithuania, Estonia, Malta và đảo Cyprus. Số lượng thành viên EU khi đó tăng từ 15 lên 25 thành viên, dân số và diện tích EU tăng thêm 20%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU khi đó tăng thêm 9%.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Theo chuyên gia Michael Emerson của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) có trụ sở ở Brussels (Bỉ), đợt mở rộng lớn nhất của EU về phía Đông là một thành công lớn về mặt kinh tế.
Trong 20 năm qua, toàn bộ các thành viên mới của EU trong đợt kết nạp đó đều có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm cao hơn các thành viên cũ của khối và thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia này hiện bằng 70-90% mức trung bình của toàn bộ Liên minh. Ba Lan và Malta đã tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế quốc gia trong 20 năm qua, trong khi GDP của Slovakia hiện nay đã tăng 80% so với 20 năm trước.
Tuy nhiên, không chỉ 10 quốc gia thành viên mới của EU được hưởng lợi mà một số thành viên cũ cũng tận dụng được cơ hội từ việc EU mở rộng. Xuất khẩu của Tây Ban Nha sang 10 nước thành viên mới tăng gấp đôi trong 20 năm qua, xuất khẩu của Italy tăng 77%. Về tổng thể, trong 2 thập kỷ qua, thương mại nội khối của EU tăng 40%, hơn 26 triệu việc làm mới được tạo ra, trong đó có 6 triệu việc làm tại 10 nước gia nhập năm 2004.
Ngoại trưởng Ba Lan, ông Radoslaw Sikorski. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyên gia Karl-Heinz Paque, đến từ Quỹ Friedrich Newmann (Đức), nhận định một thành công nổi bật khác của tiến trình mở rộng EU về phía Đông là việc lưu chuyển con người và dịch vụ. 9/10 nước gia nhập EU năm 2004 đã tham gia vào Hiệp ước Schengen, qua đó cho phép công dân các nước EU ở phía Đông có cơ hội tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao hơn rất nhiều tại các quốc gia phía Tây. Về mặt giáo dục, đã có ít nhất 2,7 triệu sinh viên từ 10 nước gia nhập EU năm 2004 được tham gia vào các chương trình đào tạo đa quốc gia Erasmus+.
Trên khía cạnh chính trị, an ninh, việc mở rộng EU về phía Đông cũng được xem là nhân tố tích cực giúp xây dựng một cấu trúc an ninh chung rộng lớn hơn, bao trùm hơn tại châu Âu. Phát biểu hôm 01/05 khi cùng Ngoại trưởng Ba Lan kỷ niệm sự kiện EU mở rộng 20 năm trước, Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock nhận định: “Việc EU mở rộng sang phía Đông và kết nạp Ba Lan cùng các quốc gia Baltic giúp châu Âu an toàn hơn. Chúng ta được trải nghiệm rõ điều này trong 2 năm qua”.
Ngoại trưởng Ba Lan, ông Radoslaw Sikorski, chia sẻ đánh giá này, đồng thời kêu gọi giới trẻ châu Âu bằng mọi giá bảo vệ thành quả của việc EU mở rộng: “Người Ba Lan và người Đức được an toàn hơn trong Liên minh châu Âu và chúng tôi có thể cùng nhau quyết định vận mệnh của châu Âu và của nền văn minh phương Tây. Tôi kêu gọi giới trẻ rằng chúng ta không được phép để quyền có 1 châu Âu tự do bị tước đoạt khỏi chúng ta”.
Theo giới quan sát, dịp kỷ niệm 20 năm Đông tiến là thời điểm quan trọng để châu Âu xác định chiến lược rõ ràng cho quá trình Đông tiến tiếp theo, với dự định kết nạp thêm 7-8 quốc gia thành viên mới từ nay đến năm 2035. Theo Karl-Heinz Paque, xung đột tại Ukraine không chỉ đưa chủ đề mở rộng EU trở lại chương trình nghị sự với các lãnh đạo EU mà còn trở thành 1 trong 3 ưu tiên lớn nhất mà EU cần phải giải quyết trong thời gian tới. Đây cũng là quan điểm được cựu Thủ tướng Italy, ông Enrico Letta đưa ra trong Báo cáo về tương lai của thị trường chung châu Âu, công bố hồi tháng 4. Đây là báo cáo do Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu thực hiện, nhằm xác định các chiến lược cần thiết giúp châu Âu duy trì được vị thế kinh tế, chính trị trên thế giới trong những thập kỷ tới.
Trong báo cáo này, ông Enrico Letta đánh giá môi trường địa chính trị và kinh tế hiện nay đã biến đổi quá nhiều so với khi thị trường chung châu Âu ra đời 39 năm trước (1985), vì thế, châu Âu buộc phải thay đổi, trong đó có việc kết nạp thêm thành viên, để duy trì sức cạnh tranh của mô hình kinh tế của khối này: “Ngày nay là một thế giới mới, nên cần có những yêu cầu mới. Và những yêu cầu mới tập trung ở 3 chủ đề chính, gồm: làm thế nào huy động được nguồn tài chính cho chuyển đổi xanh và chuyển đổi số một cách công bằng; thứ hai là vấn đề an ninh; và thứ ba, là việc mở rộng khối”.
Theo Steven Blockmans, Giám đốc nghiên cứu tại CEPS, dù nhận thức được việc bắt buộc phải mở rộng khối để gia tăng sức mạnh kinh tế và bảo đảm không gian an ninh nhưng các lãnh đạo châu Âu hiện nay vẫn chưa định hình được chiến lược rõ ràng. Các câu hỏi, như: hỗ trợ tài chính cho gần 10 nước ứng cử viên gia nhập EU; cải tổ cơ chế phân bổ ngân sách của khối; cải tổ cơ chế bỏ phiếu (từ đồng thuận sang đa số); việc phân chia số ghế nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu… đều chưa được giải đáp.
Trong Hội nghị kỷ niệm 20 năm mở rộng EU về phía Đông, tổ chức hôm 09/05 tại Madrid (Tây Ban Nha), Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Jose Manuel Albares thừa nhận bộ máy châu Âu với 27 nước thành viên như hiện nay sẽ không thể hoạt động nếu EU mở rộng lên trên 30 thành viên. Vì thế, EU bắt buộc phải cải tổ các Hiệp ước trụ cột của khối này trước khi tiến hành làn sóng Đông tiến mới.