(VOV5) - Không chỉ khó khăn trong huy động tài chính, các chuyên gia còn lên tiếng cảnh báo về sự chậm chạp trong các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên
Tại Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về Đa dạng sinh học (COP16), diễn ra từ 21/10 đến 01/11 tại thành phố Cali, Colombia, các chuyên gia cảnh báo thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thách thức lớn, đặc biệt về tài chính, và đang tiến quá chậm trong việc thực thi các cam kết bảo vệ đa dạng sinh học.
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Đa dạng sinh học (COP16) ở Cali, Colombia, ngày 21-10-2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại COP16, việc huy động các nguồn lực tài chính để bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất nhưng cũng là một trong những chủ đề ghi nhận ít tiến bộ nhất.
Theo các cam kết được đưa ra tại COP15, diễn ra năm 2022 ở Montreal, Canada, các quốc gia và tổ chức thống nhất được 23 mục tiêu hành động nhằm đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học trên Trái đất đến năm 2030, được gọi là Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), trong đó đáng chú ý nhất là 2 mục tiêu, gồm: bảo vệ 30% diện tích Trái đất cho thiên nhiên và đa dạng sinh học vào 2030 (mục tiêu 30x30) và đến năm 2030 huy động được 200 tỷ USD/năm cho việc thực hiện mục tiêu này. Về lâu dài, tham vọng mà các nhà bảo tồn đặt ra là huy động được 700 tỷ USD/năm để bảo vệ, phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy đến năm 2022, mức tài trợ đa dạng sinh học hằng năm từ các quốc gia giàu có cho các quốc gia nghèo chỉ là hơn 15 tỷ USD và các đàm phán khó khăn tại COP16 cho thấy thế giới còn một chặng đường rất dài mới có thể đạt được các mục tiêu về huy động tài chính.
Theo ông Brian O’Donnell, Giám đốc “Chiến dịch vì Thiên nhiên”, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu vắng các ưu tiên chính trị từ các quốc gia. Theo Brian O’Donnell, hầu hết các quốc gia đều đang lảng tránh việc thực hiện cam kết đưa ra tại Montreal. Minh họa cho điều này là tại phiên họp chuyên đề về tài chính hôm 28/10, chỉ có 8 quốc gia cam kết tài trợ thêm 163 triệu USD cho Quỹ GBF. Bà Irene Wabiwa, chuyên gia vận động bảo vệ đa dạng sinh học của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) nhận định con số này là quá ít so với cam kết bởi theo tính toán, các quốc gia phải đóng góp liên tục 300 triệu USD/tháng từ nay đến 2030. Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, cũng cảnh báo về thực trạng này và nhấn mạnh các quốc gia phát triển cần gánh vác trách nhiệm trước tiên.
“Các nước phát triển cần đi tiên phong và cung cấp ít nhất 20 tỷ USD/năm, bắt đầu từ năm sau, để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất và các đảo quốc nhỏ, trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái. Các doanh nghiệp hưởng lợi từ thiên nhiên cũng cần đóng góp cho việc bảo vệ và phục hồi thiên nhiên”.
Để giải quyết nút thắt về tài chính, theo Bộ trưởng Môi trường Sierra Leone, ông Jiwoh Abdulai, các quốc gia đang phát triển muốn xây dựng một Quỹ hoàn toàn mới, trong khuôn khổ Công ước đa dạng sinh học của LHQ, trong đó tất cả các bên (cả nước giàu và nước nghèo) đều có đại diện, do các quỹ đa phương hiện “quá quan liêu và khó tiếp cận”. Tuy nhiên, chuyên gia đàm phán của Liên minh châu Âu (EU), ông Hugo-Maria Schally, cho rằng quỹ mới sẽ không hiệu quả vì các quốc gia đều đang gặp khó khăn về tài chính công, đặc biệt là ở châu Âu, đồng thời quỹ mới cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản là làm thế nào để các quốc gia kém phát triển nhất có thể tiếp cận được nguồn tiền.
Theo ông Oscar Soria, Giám đốc quỹ nghiên cứu “Sáng kiến chung” (The Common Initiative), một nguồn tài chính lớn mà các quốc gia có thể huy động là lấy từ nguồn trợ cấp của các quốc gia cho nông nghiệp, phát triển nhiên liệu hóa thạch và những ngành công nghiệp khác làm tổn hại thiên nhiên và đa dạng sinh học. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) vào năm ngoái, mỗi năm các quốc gia chi 1,25 ngàn tỷ USD cho các hoạt động này, do đó, các tổ chức bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học có thể yêu cầu các quốc gia đóng góp 500 tỷ USD/năm từ các nguồn trợ cấp này. Vấn đề lớn là hiện chỉ mới có 36 quốc gia công bố danh sách các trợ cấp gây hại cho thiên nhiên, dù yêu cầu đặt ra là đầu năm sau.
Không chỉ khó khăn trong huy động tài chính, các chuyên gia còn lên tiếng cảnh báo về sự chậm chạp trong các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên kể từ khi GBF được thông qua. Trong báo cáo Đa dạng sinh học được công bố tại COP16, Cơ quan Môi trường LHQ (UNEP) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nêu rõ mục tiêu 30x30 hiện còn rất xa vời. Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP, cho biết: “Chúng ta có thể thấy về tổng thể đã có sự gia tăng diện tích thiên nhiên được bảo vệ từ năm 2020: 17,6% đất liền và vùng nước trong đất liền trên thế giới hiện đang được bảo vệ, 8,4% đại dương và các khu vực ven biển được đặt trong các khu vực bảo tồn. Nhưng không nên vui mừng sớm bởi còn rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu 30% và chúng ta chỉ còn 6 năm để làm điều đó”.
Theo bà Grethel Aguilar, Tổng Giám đốc IUCN, các chỉ số về vùng đất và đại dương được bảo vệ đều thấp hơn 0,5% so với mục tiêu đặt ra và diện tích đất liền cần được bảo vệ đến năm 2030 lớn hơn diện tích Brazil và Australia, 2 quốc gia có diện tích lớn nhất ở Nam Bán Cầu, cộng lại, trong khi diện tích đại dương cần được bảo vệ thêm còn lớn hơn cả Ấn Độ Dương hiện nay.