(VOV5) - Bộ trưởng Dầu mỏ Angola, Diamantino Azevedo cho biết sự tham gia vào OPEC không còn phục vụ lợi ích của Angola. .
Cuối tháng 12 vừa qua, Angola tuyên bố rời khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Theo các chuyên gia, tác động từ quyết định này của Angola đến thị trường dầu mỏ thế giới là không cao do sản lượng khai thác khiêm tốn của quốc gia này. Tuy nhiên, về lâu dài, sự kiện có thể tạo nên một số hoài nghi nhất định đối với năng lực của OPEC.
Angola gia nhập Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) năm 2007. Đây là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 châu Phi, sau Nigeria. Tuy nhiên, ngày 21/12, Bộ trưởng Dầu mỏ Angola, Diamantino Azevedo tuyên bố nước này sẽ rời OPEC.
Tác động hạn chế
Giải thích cho quyết định rời bỏ OPEC, tổ chức quy tụ các quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu quyền lực nhất thế giới, Bộ trưởng Dầu mỏ Angola, Diamantino Azevedo cho biết sự tham gia vào OPEC không còn phục vụ lợi ích của Angola. Theo các chuyên gia, Angola từ lâu đã bất mãn với việc OPEC và các nước đồng minh (OPEC+, bao gồm 13 nước OPEC và 11 nước nằm ngoài OPEC) liên tục gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác.
Dàn khoan dầu ngoài khơi của Angola. Ảnh: Getty |
Vì thế, việc OPEC dự định giảm hạn ngạch khai thác dầu của Angola năm tới xuống mức 1,11 triệu thùng dầu/ngày bị Angola phản đối mạnh mẽ bởi trước đó, trong cuộc họp hồi tháng 6, OPEC cũng đã hạ hạn ngạch của Angola từ 1,45 triệu thùng/ngày xuống 1,28 triệu thùng/ngày với lí do nước này chưa đủ năng lực sản xuất.
Các quan chức Angola từng nhiều lần chỉ trích việc OPEC áp đặt hạn ngạch khai thác thấp, cho rằng đây là nguyên nhân khiến Angola gặp khó khăn trong việc thu hút các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này. Trong cuộc họp tháng 11, Angola đã gửi công hàm phản đối tới OPEC. Ngoài ra, hôm 23/11, Angola cùng Nigeria thông báo 2 quốc gia này dự định tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, bất chấp định hướng lâu dài của OPEC+ là duy trì sản lượng ở mức thấp hơn năng lực khai thác để neo giá dầu xuất khẩu trên thị trường thế giới ở mức cao.
Theo chuyên gia Giovanni Staunavo của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), quyết định rời OPEC của Angola không gây ra biến động lớn trên thị trường thế giới bởi sản lượng khai thác của nước này không đáng kể, chỉ hơn 1,1 triệu thùng dầu/ngày, so với tổng sản lượng 28 triệu thùng dầu/ngày của OPEC. Chuyên gia này cũng khẳng định khả năng các nước lớn trong OPEC hoặc OPEC+ hành động tương tự Angola là rất nhỏ, bởi đa số các nước sản xuất dầu mỏ lớn đều đang ủng hộ chiến lược cắt giảm sản lượng. Quan điểm này được Nga, quốc gia đồng minh lớn nhất của OPEC, ủng hộ.
Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Nga, Dmitry Peskov. Ảnh: REUTERS |
Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tuyên bố: “OPEC+ vẫn tiếp tục hoạt động và góp phần ổn định thị trường năng lượng, đồng thời tạo điều kiện duy trì giá của các nguồn năng lượng chính ở mức cân bằng. Điều này rất quan trọng với tất cả các nước và Nga mong muốn tiếp tục hoạt động theo cơ chế này”.
Hoài nghi về OPEC
Tác động không đáng kể đến thị trường dầu mỏ thế giới nhưng quyết định rời bỏ OPEC của Angola cũng đặt ra một số vấn đề đối với tổ chức này. Theo chuyên gia Ole Hansen của Ngân hàng đầu tư Saxo Bank (Đan Mạch), việc Angola rời OPEC phản ánh một thực tế là trong nội bộ OPEC có những quốc gia thành viên đang ngày càng không hài lòng với chiến lược khai thác “trói tay, trói chân” của OPEC, cũng như sự ưu ái mà OPEC dành cho các thành viên ở Trung Đông. Điều này đã được thể hiện hồi tháng 6, khi OPEC hạ hạn ngạch khai thác của Angola nhưng lại bổ sung hạn ngạch 200 ngàn thùng dầu/ngày cho UAE, đưa sản lượng của nước này lên tới 3,21 triệu thùng dầu/ngày.
Chuyên gia Raad Alkadiri của Eurasia Group, một tổ chức tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở ở New York (Mỹ), thì cho rằng đối với OPEC, vấn đề đáng quan tâm nhất sau việc Angola rời đi là liệu có quốc gia thành viên nào khác ở châu Phi (Algeria, Congo, Guinea Xích đạo, Gabon, Libya, Nigeria) theo chân Angola hay không, đặc biệt là Nigeria. Chuyên gia này cho rằng, nếu điều đó xảy ra, sự hoài nghi đối với năng lực của OPEC sẽ gia tăng và hình ảnh đoàn kết mà OPEC muốn tạo dựng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đa số các chuyên gia cũng cho rằng, việc Angola rời đi khó tác động lớn đến vị thế quyền lực của OPEC bởi một số quốc gia khác đang xin gia nhập tổ chức này, đáng chú ý nhất là Brazil.
Theo Tổng thống Brazil, Lula da Silva, OPEC không chỉ đóng vai trò lớn trong lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch mà còn quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới:
“Việc tham gia OPEC+ sẽ giúp Brazil thảo luận với OPEC sự cần thiết của việc các quốc gia dầu mỏ giàu có đầu tư một phần tiền vào việc giúp đỡ các quốc gia nghèo ở châu Phi, Mỹ latinh, châu Á, đầu tư vào các loại năng lượng phi hóa thạch. Họ có thể tài trợ cho việc đầu tư vào ethanol, dầu sinh học, điện gió, điện mặt trời hoặc hydrogen xanh”.
Đối với triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới năm tới, chuyên gia Phil Flynn của Tập đoàn Price Futures (Mỹ), nhận định rạn nứt trong OPEC phản ánh việc có một số quốc gia OPEC đang lo lắng đánh mất thị phần dầu mỏ thế giới vào tay Mỹ và một số quốc gia sản xuất dầu nằm ngoài OPEC+, trong bối cảnh OPEC+ vẫn duy trì chính sách hạn chế khai thác.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Craig Erlam của công ty môi giới tài chính Oanda (Mỹ) đánh giá sự việc Angola rời OPEC có thể đe dọa sự tuân thủ chính sách cắt giảm sản lượng ở các nước thành viên OPEC+ khác và OPEC sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm tới nếu muốn duy trì chính sách này.