Chất lượng không khí và khí hậu toàn cầu

(VOV5) - Theo chuyên gia Lorenzo Labrador của WMO, cháy rừng đang là một phần của vòng lặp biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo do Tổ chức Khí tượng thế giới công bố ngày 5/9, tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn đã cải thiện ở châu Âu và Trung Quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tác động đan xen của biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng cao, cháy rừng lan rộng, sẽ khiến chất lượng không khí tại nhiều nơi khó cải thiện.

Chất lượng không khí và khí hậu toàn cầu - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Báo cáo mang tên “Bản tin Chất lượng không khí và khí hậu” của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tập hợp dữ liệu của WMO cùng nhiều cơ quan, tổ chức khác, như: Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU). Trong báo cáo mới nhất của mình, WMO công bố chi tiết nồng độ bụi mịn PM2.5 (các hạt bụi cực nhỏ có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn), chỉ số quan trọng nhất đo chất lượng không khí, tại nhiều khu vực trên thế giới. Theo đó, Trung Quốc và châu Âu ghi nhận nồng độ bụi mịn thấp hơn mức trung bình và giảm đi so với giai đoạn tham chiếu 2003–2023. Chuyên gia khoa học của WMO, ông Lorenzo Labrador đánh giá xu hướng giảm ô nhiễm ở châu Âu và Trung Quốc là do lượng khí thải thấp hơn ở các quốc gia này trong những năm qua khi cả châu Âu và Trung Quốc đều đang đẩy nhanh tiến trình xanh hóa nền kinh tế, cắt giảm lượng phát thải carbon, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thông qua chiến lược tăng sử dụng ô tô điện, giảm ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đây cũng được xem là nguyên nhân giúp mức độ ô nhiễm không khí ở Mỹ không thay đổi, mặc dù các vụ cháy rừng ở Bắc Mỹ vào năm 2023 đã tạo ra lượng khí thải lớn so với hai thập kỷ trước. Ngoài ra, các khu vực bán đảo Arab và Bắc Phi cũng ghi nhận lượng khí thải bụi mịn thấp hơn bình thường. Ngược lại, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Nam Á và một số khu vực của Đông Nam Á đã tăng lên, phản ánh các thách thức ngày càng lớn với các quốc gia ở hai khu vực này trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Theo Piotr Jakubowski, chuyên gia về ô nhiễm không khí, đồng sáng lập Nafas, một ứng dụng theo dõi chất lượng không khí ở Đông Nam Á, một nguyên nhân quan trọng khiến ô nhiễm không khí tại nhiều nước Đông Nam Á gia tăng là do nhiều người dân và quan chức vẫn chưa nhận thức hết được mức độ nghiêm trọng thực sự của ô nhiễm không khí: “Vài năm trước đây, khi chúng tôi bắt đầu nói về ô nhiễm không khí, chúng tôi nhận ra rằng nhiều người thức dậy vào buổi sáng và nghĩ rằng họ nhìn thấy sương mù, họ nghĩ rằng trời đẹp và không khí trong lành. Nhưng đó không phải là sương mù và chúng tôi phải rất nỗ lực để nhắc nhở mọi người rằng mỗi khi họ thấy bầu trời xám xịt và không nhìn thấy mây, thì đó không phải do mưa mà là ô nhiễm không khí tăng cao”.

Chất lượng không khí và khí hậu toàn cầu - ảnh 2Hai nhà đồng sáng lập Nafas gồm Nathan Roestandy (bên trái) và Piotr Jakubowski (bên phải). Ảnh: Nafas

Theo WMO, việc truyền thông chưa đủ về tầm quan trọng của không khí sạch là vấn đề lớn bởi các số liệu của Cơ quan Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho thấy hiện 99% dân số thế giới phải hít thở không khí ô nhiễm và ô nhiễm không khí có liên quan đến 8,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2021, trong đó có khoảng 700.000 là trẻ em dưới 5 tuổi. Do đó, nếu không hành động khẩn cấp, ô nhiễm không khí có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 8,1 ngàn tỷ USD, tương đương 6,1% GDP toàn cầu, mỗi năm do chi phí y tế tăng cao.

Trong báo cáo của mình, WMO cũng nhấn mạnh thực tế là các hóa chất gây ô nhiễm khí quyển thường được thải ra cùng lúc với khí nhà kính. Theo WMO, cháy rừng đặc biệt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong năm ngoái, nổi bật là các vụ cháy ở Canada, ở Nam Mỹ và một số quốc gia Nam Âu… Khói bụi từ cháy rừng không chỉ thải ra nhiều chất độc hại cho sức khỏe con người mà còn khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng. Giáo sư Abraham Montano, Viện nghiên cứu lâm sàng, thuộc trường Đại học Gabriel Rene Moreno (Bolivia), cho biết:“Cháy rừng khiến chúng ta phải hít thở không khí thiếu oxy. Thông thường, không khí chúng ta hít thở chứa 21% oxy nhưng tỷ lệ này giảm xuống bởi có nhiều chất ô nhiễm và các hạt bụi nhỏ, cùng carbon monoxide (CO), khói, bị đẩy ra môi trường do cháy rừng”

Theo chuyên gia Lorenzo Labrador của WMO, cháy rừng đang là một phần của vòng lặp biến đổi khí hậu, khi nhiệt độ tăng cao khiến nguy cơ cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, với quy mô lớn hơn và khi đó, các chất gây ô nhiễm từ cháy rừng càng khiến lượng phát thải carbon tăng cao, làm biến đổi khí hậu trầm trọng hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, hệ sinh thái và nông nghiệp toàn cầu. Dẫn các số liệu thu thập được từ các khu vực tại Trung Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Đông Nam Á, WMO cho biết ô nhiễm không khí, đặc biệt là việc nồng độ PM2.5 tăng cao, tác động lớn đến nông nghiệp. Các bằng chứng thực nghiệm tại Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy ở các khu vực ô nhiễm có nồng độ PM2.5 cao, các vụ thu hoạch suy giảm đến 15%.

Trước thực trạng chất lượng không khí và khí hậu toàn cầu hiện nay, WMO kêu gọi các quốc gia và cộng đồng cần gia tăng hành động khẩn cấp bằng việc triển khai các ý tưởng đưa ra trong “Ngày quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh” (07/09), một sự kiện được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua từ năm 2019 nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của không khí sạch.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác