(VOV5) -Trong gần một năm qua, hai quốc gia đối địch này còn có nhiều lần tấn công vào các mục tiêu của nhau một cách gián tiếp hoặc trên lãnh thổ nước thứ ba.
Từ khi xung đột Gaza nổ ra tháng 10 năm ngoái, căng thẳng giữa Israel và Iran liên tục leo thang, nhiều lần chạm ngưỡng xung đột toàn diện nhưng đều được các bên tháo ngòi nổ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo hai bên đang ngày càng vượt qua nhiều lằn ranh đỏ của nhau, khiến việc kiềm chế trở nên khó khăn hơn.
Khói bốc lên từ thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 28/5/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Ngày 01/04, Bộ Quốc phòng Syria thông báo máy bay quân sự Israel phóng tên lửa từ Cao nguyên Golan nhằm vào thủ đô Damascus, đánh trúng tòa lãnh sự Iran tại khu Mezzeh, phá hủy tòa nhà và khiến 13 người thiệt mạng. Trong số các nạn nhân có chuẩn tướng Iran, Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao của đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Hai tuần sau vụ tập kích, ngày 13/04, Iran cùng các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn phóng tổng cộng 170 máy bay không người lái (UAV), 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình nhằm vào Israel. Đây được xem là sự kiện mang tính lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên Iran trực tiếp tấn công vào lãnh thổ Israel chứ không thông qua các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực. Tuy nhiên, ngòi nổ xung đột được tháo gỡ khi Iran dường như đã báo trước cho Israel và đồng minh về cuộc tập kích từ trước đó vài ngày. Ngoài ra, UAV, tên lửa Iran cũng nhắm vào các khu vực ít dân cư của Israel, bay theo quỹ đạo dễ dự đoán và dễ bị bắn hạ. Mặc dù đây được coi là lần cận kề xung đột toàn diện nhất giữa Iran và Israel nhưng theo giới quan sát, cả hai bên đều tính toán kỹ để vừa đạt được mục tiêu chính trị, vừa tránh leo thang.
Ảnh cố thủ lĩnh chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, tại Quảng trường Palestine ở Tehran. Ảnh: AFP |
Ngoài sự kiện này, trong gần 1 năm qua, kể từ khi xung đột tại dải Gaza bùng phát, hai quốc gia đối địch này còn có nhiều lần tấn công vào các mục tiêu của nhau một cách gián tiếp hoặc trên lãnh thổ nước thứ ba. Một số vụ việc tiêu biểu, gồm: vụ sát hại tướng Sayyed Razi Mousavi của IRGC hôm 25/12 năm ngoái tại ngoại ô thủ đô Damascus (Syria); Iran phóng tên lửa đạn đạo tấn công "loạt trung tâm gián điệp" được cho là thuộc về Viện Tình báo và Chiến dịch Đặc biệt Israel (Mossad) ở Erbil, miền bắc Iraq hôm 15/01. Mới nhất là việc Israel thừa nhận sát hại thủ lĩnh Hezbollah ở Lebanon hôm 30/07 và việc thủ lĩnh chính trị cao nhất của Hamas, ông Ismail Haniyeh, bị ám sát ở thủ đô Tehran của Iran.
Theo bà Nomi Bar-Yaacov, chuyên gia Chương trình an ninh quốc tế thuộc Chatham House (Anh), các vụ việc gần đây khiến nguy cơ xung đột Iran-Israel trầm trọng hơn trước kia rất nhiều bởi việc sát hại thủ lĩnh Hamas diễn ra ngay tại thủ đô của Iran. Sự việc này phát đi thông điệp đe dọa sự an toàn của những lãnh đạo cấp cao Iran, ngay trên đất Iran, do đó, đẩy Iran vào tình thế buộc phải hành động để trả đũa và duy trì sức mạnh răn đe: “Đây là thời điểm bước ngoặt trong xung đột hiện nay ở Trung Đông. Tôi nghĩ chúng ta chưa từng rơi vào tình thế khó khăn nào như thế này, nếu xét đến năng lực mà Iran đã thể hiện hồi tháng 4”.
Chuyên gia Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, cũng cho rằng các thay đổi trong chiến lược gần đây từ cả hai phía, đặc biệt là từ chính quyền Israel, khiến Iran và Israel ngày càng có nguy cơ vượt qua những “lằn ranh đỏ” và khiến việc kiểm soát xung đột không leo thang khó khăn hơn:“Israel có hai cuộc khủng hoảng an ninh, một là khủng hoảng an ninh trong nước liên quan đến vấn đề Palestine, tiếp đó là một cuộc khủng hoảng an ninh khu vực liên quan đến Iran và trục kháng chiến trong khu vực. Do chưa hoàn toàn đạt được các mục tiêu trong xung đột tại Gaza nên Israel đang cố gắng làm tổn hại sự hiện diện và vị thế của trục kháng chiến tại Lebanon, Syria hay Iraq”.
Theo Sanam Vakil, dù chính quyền Israel không thừa nhận, cũng không bình luận về vụ sát hại thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh, nhưng vụ việc này diễn ra chỉ 1 ngày sau vụ Israel hạ sát thủ lĩnh lực lượng Hezbollah ở Lebanon, ông Fuad Shukr (30/07) và các diễn biến này phù hợp với tính toán gần đây của Israel. Vì thế, các bên liên quan, trong đó có các đồng minh của Israel, cần lưu ý đến các thay đổi chiến lược của Israel để tìm giải pháp kiềm chế phù hợp. Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Rania Slim, Giám đốc Chương trình Giải quyết xung đột tại Viện Trung Đông (MEI), cho rằng vấn đề trọng tâm của tất cả các bên hiện nay là cần nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại dải Gaza, từ đó mới có thể ngăn nguy cơ leo thang xung đột giữa Israel với Iran hay với lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Bà Rania Slim đánh giá khả năng đạt thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn bởi cả Iran lẫn Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel, đều có chung lợi ích trong việc đạt được thỏa thuận này: “Lợi ích của Iran và Hezbollah là giữ cho xung đột ở quy mô thấp chừng nào chưa có thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, qua đó gây sức ép buộc Israel chấp nhận thỏa thuận. Trên thực tế, lợi ích này, hoặc một phần của nó, tức kiểm soát khủng hoảng, ngăn ngừa cuộc chiến khu vực, hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Mỹ”.
Theo các chuyên gia, việc Iran không tiến hành tấn công trả đũa Israel ngay lập tức sau vụ sát hại thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh, cho thấy phía Iran cũng đang tính toán rất thận trọng các kế hoạch hành động của mình để tránh rơi vào xung đột toàn diện với Israel. Mặt khác, điều này cũng cho thấy các hoạt động ngoại giao trong khu vực vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các bên tính toán sai lầm và phản ứng thái quá.