(VOV5) - Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), hiện có khoảng 100 sứ mệnh khám phá Mặt trăng được các quốc gia và các công ty tư nhân nghiên cứu triển khai từ nay đến năm 2030.
Hôm 06/06, tàu Thường Nga-6 của Trung Quốc ghép nối thành công trên quỹ đạo Mặt Trăng, bắt đầu quá trình chuyển giao mẫu vật lấy từ vùng tối của Mặt Trăng về Trái đất. Theo các chuyên gia, sự kiện này đánh dấu cột mốc mới trong cuộc đua khám phá Mặt Trăng đang ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc trên thế giới.
Tàu lấy mẫu vật của Thường Nga-6 trở lại quỹ đạo Mặt Trăng và ghép nối thành công với tổ hợp tàu quỹ đạo và tàu trở về ngày 6/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Trước sự kiện mang tính lịch sử hôm 06/06, hôm 02/06, tàu Thường Nga-6 của Trung Quốc cũng đã hạ thành công xuống điểm đáp đúng như tính toán ở bồn địa Nam Cực - Aitken thuộc vùng tối của Mặt trăng. Đây là lần thứ 2 một con tàu vũ trụ của Trung Quốc hạ cánh xuống cực Nam, tức nửa không nhìn thấy, hay còn được gọi là vùng tối của Mặt trăng, sau sứ mệnh đầu tiên của tàu Thường Nga-4 vào năm 2019. Theo Giáo sư Sylvestre Maurice, Viện nghiên cứu vật lý thiên văn và hành tinh học của Pháp, sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc mà còn là tiến bộ của ngành khoa học vũ trụ thế giới nói chung trong việc khám phá không gian: “Rất khó để có thể hạ cánh xuống một hành tinh, đặc biệt là Mặt Trăng. Những gì tôi được chứng kiến là mọi thứ dường như đã diễn ra một cách hoàn hảo. Họ đã hạ cánh đúng nơi họ muốn, đó là ở phía bên kia của Mặt Trăng, chứ không phải là Mặt Trăng mà chúng ta có thể nhìn thấy. Đây thực sự là một thành tựu mà chúng tôi mong chờ từ rất nhiều năm”.
Sự kiện Thường Nga-6 là cột mốc mới nhất trong cuộc đua khám phá Mặt trăng đang ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc không gian. Cho đến nay, Trung Quốc đang đạt được những bước tiến lớn, từ việc vẫn là quốc gia duy nhất phóng tàu vũ trụ thành công xuống vùng tối của Mặt trăng, cho đến việc lấy mẫu vật trong sứ mệnh Thường Nga-6, đồng thời đang tăng tốc kế hoạch đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030. Tuy nhiên, Mỹ cũng không thua kém. Từ vài năm qua, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đẩy mạnh sứ mệnh Artemis nhằm đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng sau hơn 5 thập kỷ con người đặt chân lên hành tinh này (1969). Trong chương trình Artemis, Mỹ cũng có kế hoạch xây dựng trạm không gian "Lunar Gateway" (Cổng Mặt Trăng). Quay quanh Mặt trăng, trạm không gian này đóng vai trò là trung tâm liên lạc, nơi lưu trú cho phi hành gia và phòng thí nghiệm khoa học. Nhằm hỗ trợ sứ mệnh Artemis, hồi tháng 2 năm nay, Mỹ lần đầu tiên trở lại Mặt trăng kể từ năm 1972 khi con tàu Odysseus của công ty tư nhân Mỹ, Intuitive Machines hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng. Đây là dự án nhận được sự tài trợ hơn 180 triệu USD từ NASA nhằm đa dạng hóa các lựa chọn chinh phục không gian của Mỹ.
Tàu đổ bộ Odysseus di chuyển theo quỹ đạo Mặt Trăng trong sứ mệnh IM-1 ngày 21/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Giáo sư Kazuto Suzuki, Đại học Tokyo (Nhật Bản), việc Mỹ quay trở lại với các kế hoạch khám phá Mặt trăng tham vọng sau nhiều năm quên lãng, một phần là do áp lực cạnh tranh từ nhiều đối thủ mới nổi trong lĩnh vực không gian (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga), mặt khác là do Mỹ muốn xây dựng Mặt trăng thành trạm trung chuyển cho các kế hoạch khám phá sao Hỏa hay vũ trụ sâu hơn. Chia sẻ quan điểm này, Michelle Hanlon, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Luật Hàng không và Vũ trụ tại Đại học Mississippi, cho rằng Mặt trăng là nơi để thử nghiệm, giúp con người học cách sống trong không gian vũ trụ. Ngoài ra, một lí do quan trọng khác khiến Mặt trăng ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia và các công ty tư nhân là nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất hiếm và đồng vị Helium-3, vốn khan hiếm trên Trái đất nhưng lại rất phong phú trên Mặt trăng. Theo Michelle Hanlon, Helium-3 trên Mặt trăng có thể cung cấp năng lượng cho Trái đất trong nhiều thế kỷ.
Những yếu tố trên khiến Mặt trăng trở thành tâm điểm của cuộc đua khám phá không gian. Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), hiện có khoảng 100 sứ mệnh khám phá Mặt trăng được các quốc gia và các công ty tư nhân nghiên cứu triển khai từ nay đến năm 2030. Về phần mình, ESA cũng đang tăng tốc các kế hoạch nhằm bắt kịp Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ trong cuộc đua không gian. Theo dự kiến, trong tháng 7 năm nay, ESA lần đầu sử dụng tên lửa đẩy thế hệ mới Ariane 6 để phóng vệ tinh vào không gian. Theo Tổng Giám đốc ESA, ông Josef Aschbacher, châu Âu phải xây dựng được năng lực tự chủ của mình trong lĩnh vực không gian nếu không muốn phụ thuộc và tụt hậu so với các cường quốc khác và Ariane 6 là bước đi đầu tiên, tiếp theo ESA sẽ là tàu vận chuyển không gian. Phi hành gia vũ trụ của ESA, Alexander Gerst, cho biết: “Trong bất cứ mối quan hệ đối tác nào, nếu muốn hợp tác thì cần phải có gì đó đóng góp. Nếu châu Âu muốn ngồi cùng bàn với các cường quốc không gian khác thì cần phải có những năng lực để trao đổi. Do đó, điều hết sức quan trọng là châu Âu cần phải tự làm được một số việc trọng yếu, như vận chuyển phi hành gia, hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất và quay trở lại, từ đó tham gia vào được việc khám phá Mặt trăng vốn đang rất sôi động hiện nay”.
Ngoài châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc cũng đều đã công bố các kế hoạch khám phá Mặt trăng, như: Nhật Bản có kế hoạch thiết lập mạng liên lạc 5G giữa Mặt trăng với Trái đất vào năm 2028; Nga-Trung Quốc xây các căn cứ nghiên cứu trên Mặt trăng sau năm 2030… Các công ty tư nhân cũng không đứng ngoài cuộc. Sau Intuitive Machines, công ty Astrobotic dự kiến đưa tàu thám hiểm VIPER của NASA đến cực Nam Mặt trăng trong năm nay để tìm kiếm băng nước. Công ty Firefly với tàu Blue Ghost cũng có kế hoạch mang nhiều vật tư, công nghệ do NASA tài trợ lên bề mặt Mặt trăng trong năm nay.