(VOV5) - Bên cạnh Hiệp ước đại dịch, một vấn đề lớn khác của hệ thống y tế toàn cầu là việc sửa đổi Quy định Y tế quốc tế.
Từ ngày 27/05 đến 01/06, Hội nghị Hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77 (WHA 77) diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ. Hội nghị tập trung thảo luận 2 trong số những thách thức mà các chuyên gia y tế đánh giá là lớn nhất với hệ thống y tế thế giới hiện nay, là hoàn tất Hiệp ước đại dịch và sửa đổi Quy định Y tế quốc tế.
Khóa họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 77 - Ảnh: TTXVN |
Hôm 14/05, vòng đàm phán mới về một Hiệp ước toàn cầu nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai kết thúc tại Geneva (Thụy Sỹ) mà không đạt được tiến triển nào đáng kể. Các thảo luận cấp cao tiếp theo trong thời gian diễn ra WHA 77 cũng không tạo nên đột phá nào, ngoài các cam kết từ các bên rằng sẽ tiếp tục các đối thoại đã kéo dài từ hơn 2 năm qua để thu hẹp bất đồng, qua đó xây dựng 1 dự thảo Hiệp ước đại dịch mới cân bằng và bao trùm hơn.
Theo các chuyên gia y tế, việc Hiệp ước đại dịch rơi vào bế tắc và không thể sớm thông qua có nguyên nhân chủ yếu từ bất đồng giữa nhóm các nước giàu và nhóm các nước đang phát triển, liên quan đến một loạt các chủ đề, như: cơ chế phân phối vaccine và sinh phẩm liên quan đến đại dịch; việc chuyển giao công nghệ y tế, sinh học từ các nước giàu sang các nước đang phát triển; yêu cầu minh bạch hóa các hợp đồng giữa các chính phủ với các công ty dược phẩm tư nhân… Theo dự thảo ban đầu, Hiệp ước đại dịch đề xuất Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ nhận được 20% tất cả các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch, từ mẫu thử, vaccine cho đến phương pháp điều trị. Quy định này sẽ cho phép WHO phân bổ các nguồn lực y tế một cách công bằng hơn trong tình huống đại dịch, giúp các quốc gia nghèo, quốc gia đáng phát triển có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các tiến bộ y học.
Đề xuất này giống như cơ chế chia sẻ vaccine COVAX được WHO triển khai trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và được các quốc gia đang phát triển ủng hộ, bởi các nước này cho rằng đại dịch COVID-19 đã chỉ rõ sự bất công trong việc tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và nước nghèo. Tuy nhiên, nhiều quốc gia phát triển phản đối đề xuất này, với lí do bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ sở hữu trí tuệ… Chuyên gia Precious Matsoso, đồng chủ tịch Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Hiệp ước đại dịch, nhận xét: “Về các chủ đề phức tạp, các quốc gia đang cố gắng tìm điểm chung hợp lý nhất để có thể chuẩn bị và ngăn ngừa đại dịch. Tôi nghĩ đây là vấn đề về tầm quan trọng, tức là cần coi trọng sự công bằng hơn hay việc ngăn ngừa đại dịch hơn. Nhưng cả hai vấn đề này đều quan trọng, bởi qua những gì đã xảy ra trong đại dịch COVID-19 thì chúng ta đều thấy là có vấn đề công bằng trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau”.
Hội đồng Chấp hành của Khóa họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 77 - Ảnh: TTXVN |
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Suerie Moon, Giám đốc Trung tâm y tế toàn cầu (GHC) có trụ sở ở Geneva (Thụy Sỹ), khẳng định đang có bất đồng sâu sắc giữa các nước công nghiệp giàu có và các nước đang phát triển. Theo chuyên gia này, các nước đang phát triển không chấp nhận việc bắt buộc phải cung cấp các mẫu bệnh phẩm, các mẫu virus để giúp phát triển các loại vaccine và các phương pháp điều trị nhưng rồi sau đó lại không được tiếp cận một cách công bằng với các loại vaccine và phương pháp điều trị này. Ngoài ra, bài học bị bỏ rơi trong đại dịch COVID-19 càng khiến các nước đang phát triển đòi hỏi trách nhiệm nhiều hơn từ các nước phát triển trong nhiều vấn đề: “Một trong những vấn đề đó là về tài chính. Ví dụ, ai sẽ phải chi tiền để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều có năng lực ở mức tối thiểu trong việc phát hiện và phản ứng với các đợt bùng phát dịch vào thời điểm nó xảy ra?”
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận tình thế bế tắc hiện nay trong các đàm phán Hiệp ước đại dịch. Phát biểu tại WHA 77, người đứng đầu WHO nhấn mạnh tiến trình đàm phán gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật, pháp lý và chính trị, bên cạnh khung thời gian vô cùng gấp rút. Tuy nhiên, TGĐ WHO khẳng định Hiệp ước đại dịch là cơ hội tốt nhất trong cả một thế hệ đối với hệ thống y tế toàn cầu và kêu gọi các quốc gia nỗ lực thúc đẩy các đàm phán liên quan đến những trở ngại cuối cùng của Hiệp ước.
Chuyên gia Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, bày tỏ sự lạc quan về việc sẽ có tiến bộ trong đàm phán: “Có một sự cam kết rất lớn từ các nước thành viên WHO về việc sẽ thúc đẩy các đàm phán về Hiệp ước đại dịch. Vấn đề hiện nằm ở các chi tiết và các quốc gia thành viên đang thảo luận về các chi tiết này. Đây là một thỏa thuận an ninh tập thể cho phép chúng ta ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với các đại dịch tương lai”.
Theo các chuyên gia y tế, hiện khoảng 80% nội dung của dự thảo Hiệp ước đại dịch đã nhận được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên WHO và các bên nhiều khả năng sẽ gia hạn thời gian cho các đàm phán mới từ 1-2 năm để giải quyết dứt điểm các bất đồng.
Bên cạnh Hiệp ước đại dịch, một vấn đề lớn khác của hệ thống y tế toàn cầu là việc sửa đổi Quy định Y tế quốc tế (IHR). IHR được thông qua lần đầu tiên vào năm 1969, tạo lập khuôn khổ pháp lý quốc tế để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Tuy nhiên, lần cuối cùng IHR được sửa đổi là cách đây gần 20 năm (2005), do đó ngày càng có nhiều đòi hỏi về việc IHR cần được cập nhật để ứng phó tốt hơn với các thách thức mới hiện nay của hệ thống y tế toàn cầu, đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu. Khác với Hiệp ước đại dịch, IHR tập trung vào việc xây dựng năng lực của các quốc gia trong việc phát hiện và ứng phó với những tình huống y tế công cộng có thể có tác động trên phạm vi quốc tế, đồng thời xây dựng cơ chế giảm thiểu tác động của các tình huống này đến các lĩnh vực, như: thương mại, du lịch toàn cầu. IHR hiện nay có 196 bên ký kết tham gia, trong đó có toàn bộ 194 quốc gia thành viên WHO.