(VOV5) - Thế giới hiện nay đang ở trong bối cảnh nguy hiểm nhất trong vài thập kỷ qua bởi xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng, biến đổi khí hậu cũng ngày càng tác động lớn hơn.
Thế giới trong 6 tháng đầu năm nay chứng kiến việc kéo dài các căng thẳng địa chính trị, xung đột trên thế giới, sự phục hồi chậm của các nền kinh tế. Theo các chuyên gia, tình trạng ổn định mong manh này sẽ còn kéo dài, khi các yếu tố bất ổn vẫn hiện hữu.
Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Ukraine, diễn ra 15-16/06 tại Thụy Sỹ. Ảnh: TTXVN |
Trong 6 tháng đầu năm nay, cuộc xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ 3, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza tiến gần đến cột mốc 1 năm. Điểm chung của 2 xung đột nghiêm trọng nhất với thế giới trong 1 thập kỷ qua là đều đang kéo dài trong bế tắc. Tại Ukraine, sự bế tắc thể hiện cả trên chiến trường, khi cả Nga và Ukraine đều không tạo được các đột phá bất chấp thương vong tăng cao, lẫn trên mặt trận ngoại giao. Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Ukraine, diễn ra 15-16/06 tại Thụy Sỹ, kết thúc với kết quả khiêm tốn khi các bên chỉ ra được 1 Tuyên bố chung kêu gọi đối thoại, tìm giải pháp chính trị cho xung đột nhưng không đề ra được bất kỳ lộ trình khả thi nào. Việc nhiều cường quốc, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia… không tham dự hoặc chỉ cử quan chức ngoại giao cấp thấp đến Hội nghị và từ chối ký Tuyên bố chung cho thấy xung đột tại Ukraine vẫn tiếp tục chia rẽ nghiêm trọng cộng đồng quốc tế.
Bà Izumi Nakamitsu, Đại diện cấp cao của Liên hiệp quốc (LHQ) về các vấn đề giải trừ quân bị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo bà Izumi Nakamitsu, Đại diện cấp cao của Liên hiệp quốc (LHQ) về các vấn đề giải trừ quân bị, trong bối cảnh bế tắc kéo dài của xung đột tại Ukraine, nhiều quốc gia và tổ chức vẫn tiếp tục gia tăng việc cung cấp vũ khí cho các bên tham gia cuộc xung đột này, dẫn đến nguy cơ lớn về việc lan tràn vũ khí hạng nặng không kiểm soát ra các khu vực khác, từ đó có thể leo thang bạo lực và bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là khi phương Tây và Nga đều đã công khai có các tuyên bố về việc sẵn sàng trả đũa lẫn nhau khi xung đột tại Ukraine leo thang: “Việc chuyển giao vũ khí và đạn dược đến các xung đột quân sự luôn là rủi ro gắn liền với việc các thiết bị này được chuyển đến những người dùng không được phép, từ đó tạo ra nguy cơ nghiêm trọng về việc gia tăng bạo lực”.
Đối với xung đột Israel-Hamas tại Gaza, việc Hội đồng bảo an LHQ phải mất hơn 8 tháng sau khi xung đột bùng phát mới thông qua được nghị quyết, hôm 11/06, kêu gọi “thực thi ngay lập tức, không trì hoãn và vô điều kiện” lệnh ngừng bắn mới ở Gaza cũng cho thấy các cơ chế quốc tế quan trọng nhất để bảo đảm an ninh, giải quyết xung đột hiện nay không còn hiệu quả.
Sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn xung đột leo thang cùng số lượng thường dân thiệt mạng ngày càng cao ở Gaza (gần 40.000 người) khiến Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres phải thừa nhận rằng những thiết chế mang tính trụ cột của quan hệ quốc tế trong nhiều thập kỷ qua đã đến lúc phải thay đổi để phù hợp hơn với trật tự thế giới đang ngày càng trở nên đa cực hơn, nơi các quốc gia đang phát triển chưa có được tiếng nói tương xứng: “Cả Hội đồng bảo an LHQ lẫn cấu trúc tài chính quốc tế đều phải được cải tổ sâu rộng để có thể mang tính đại diện cao hơn cho thế giới ngày nay và đáp ứng tốt hơn đối với những thách thức hiện tại, cũng như những yêu cầu của các quốc gia đang phát triển”.
Cũng theo người đứng đầu LHQ, thế giới hiện nay đang ở trong bối cảnh nguy hiểm nhất trong vài thập kỷ qua bởi bên cạnh xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng, các mối đe dọa khác, như: biến đổi khí hậu, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng ngày càng tác động lớn hơn. Đây đều là các khủng hoảng có quy mô toàn cầu và cần có sự hợp tác toàn cầu để giải quyết.
Tuy nhiên, theo Mark Leonard, Giám đốc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR), một Viện nghiên cứu lớn có văn phòng ở 7 nước châu Âu, thế giới 6 tháng đầu năm nay tiếp tục chứng kiến sự phân cực lớn chưa từng thấy từ sau Chiến tranh lạnh, không chỉ xoay quanh xung đột tại Ukraine hay Gaza mà còn trong quan hệ Trung Quốc – phương Tây, trong các biến động trên bán đảo Triều Tiên ở Đông Bắc Á hay trong quan hệ giữa thế giới phương Nam (Global South) với nhóm các nước phát triển mà tiêu biểu là G7. Sự phân cực đó đang làm tổn hại cho các nỗ lực chung của thế giới, cụ thể là Nghị trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Theo báo cáo được LHQ công bố hồi tháng 5, hiện chỉ có 17% số SDG là đang được thực hiện đúng tiến độ, trong khi khoảng 1/3 số mục tiêu chững lại, thậm chí tụt lùi.
Về khía cạnh kinh tế, các rủi ro xuất phát từ bất ổn địa chính trị và nguy cơ xung đột cũng được xem là yếu tố có tác động lớn nhất đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Do đó, mặc dù các tổ chức quốc tế lớn, như: LHQ, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB) đều đánh giá kinh tế thế giới trong nửa đầu năm nay đang phục hồi và cả năm có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 2,6% đến 3,2% nhưng sự phục hồi này tương đối mong manh. Ayhan Kose, Phó Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhận định: “Về tổng thể, chúng ta chứng kiến kinh tế toàn cầu đang hạ cánh mềm. Tuy nhiên, khi đưa ra nhận định này thì cần phải nói rằng vẫn có những thách thức tăng trưởng đáng kể đối với kịch bản này. Sự tăng trưởng ổn định là tương đối yếu so với những gì mà chúng ta chứng kiến trong thập kỷ trước”.
Về triển vọng trung hạn trong khoảng 2 năm tới, WB cho rằng khoảng 60% các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn tốc độ trung bình của thập kỷ trước. Theo WB, bên cạnh các yếu tố rủi ro về địa chính trị, khủng hoảng khí hậu, thách thức chuyển đổi năng lượng, một yếu tố khác cũng có thể tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của nhiều nền kinh tế lớn, trong nửa cuối năm nay hoặc đầu năm sau, là các thay đổi chính trị nội bộ khi khoảng 1/2 dân số thế giới tham gia vào các cuộc bầu cử quan trọng với các tác động khó lường về chính sách trong cả năm nay, như: bầu cử Nga, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) Pháp, Anh và Mỹ.