(VOV5)- Sáng nay, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tuy nhiên, Hiến pháp cần xác định rõ và quy định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; quyền và nghĩa vụ bình đẳng của các dân tộc; các nguyên tắc, chính sách giải quyết vấn đề dân tộc; trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước, phát huy nội lực của các dân tộc...
Về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo được được quy định cụ thể trong điều 25 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tuy nhiên, Hòa Thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trung ương Giáo Hội phật giáo Việt Nam, cho rằng: Điều 25 nên được bổ sung thêm 1 khoản nữa là “Nhà nước tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo pháp luật, hiến chương, điều lệ của các tôn giáo đã được nhà nước công nhận. Vấn đề này nhà nước vẫn đảm bảo, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng pháp luật. Đấy là những quy định đã có nhưng bây giờ đưa vào Hiến pháp là điều tốt để người dân được biết và quốc tế biết được chúng ta đang quan tâm, đảm bảo đời sống tôn giáo cho những người có tôn giáo.
Liên quan đến hệ thống chính trị, các đại biểu đề nghị cần làm rõ vai trò, vị thế của Đảng, Nhà nước và nhân dân; trong đó, có vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân cần được thể chế hóa để khẳng định phương thức lãnh đạo của Đảng./.