1. Quyền thông tin và quyền được thông tin là những khái niệm tương đối mới, được thể hiện tại nhiều văn bản pháp luật trên thế giới từ sau Thế chiến thứ hai.
Về mặt lý luận, quyền thông tin là hệ luận tất yếu của quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt. Tại nước ta, các quyền cơ bản này đã được thể hiện tại Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh điều hành việc soạn thảo và được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, qua thực tiễn nửa cuối thế kỷ 20 trên thế giới, người ta thấy nhu cầu tách riêng và nhấn mạnh hơn nữa quyền thông tin. Lý do chính là nhân dân mọi nước, trước hết là các nước kém phát triển, những nước này hầu như không có điều kiện thực hiện quyền thông tin cho dù tự do ngôn luận, tự do báo chí vẫn được nhắc tới, bởi các phương tiện truyền thông nhỏ bé, thô sơ, chưa thể tiếp cận công nghệ truyền thông hiện đại, hơn nữa lại nằm trong tay một số ít người, trong khi làn sóng thông tin từ các nước phát triển tràn về áp đặt, chi phối dư luận xã hội, phục vụ lợi ích nhóm và lợi ích của nước ngoài, tạo nên sự bất bình đẳng quá đáng về thông tin, không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế. Nhìn chung, ở cả các nước nghèo và các nước phát triển, người dân thực tế chưa có đủ quyền thông tin.
Đại hội đồng UNESCO năm 1978 tuyên bố “Các nguyên tắc cơ bản về sự đóng góp của các cơ quan thông tin vào việc củng cố hòa bình…”, khẳng định: “Việc củng cố hòa bình và hiểu biết quốc tế, thúc đẩy các quyền con người… đòi hỏi sự lưu thông tự do và sự quảng bá rộng rãi hơn, cân bằng hơn về thông tin” (Điều I), và “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và tự do thông tin được thừa nhận là bộ phận hữu cơ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản ở mọi nước, là một nhân tố thiết yếu củng cố hòa bình và hiểu biết quốc tế…” (Điều II).
Như đã nói, “quyền thông tin” ngay tại các nước phát triển cũng mới thể hiện một chiều, tức là quyền của nơi phát đi thông điệp. Còn quyền của nơi nhận, tức là của quảng đại nhân dân thể hiện ở đâu? Về hoạt động báo chí, có trình trạng phổ biến khắp nơi là các cơ quan công quyền, các tập đoàn kinh tế… vì lợi ích riêng, không những không cung cấp thông tin cho báo chí mà còn tìm cách hạn chế báo chí và nhà báo tiếp cận thông tin. Từ thực tế đó xuất hiện khái niệm “quyền được thông tin”, coi như một quyền cơ bản của con người. Hơn thế, do các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, người dân không chỉ đòi quyền được biết mà còn được thấy, được nghe.
Quyền được thông tin ngày càng trở thành yêu cầu khẩn thiết với trào lưu đòi hỏi sự minh bạch trong mọi việc cai trị và quản lý, bảo đảm dân chủ xã hội ở tất cả mọi nước giàu cũng như nghèo. Quyền được thông tin của công dân thể hiện ở chỗ người dân qua báo chí có quyền tiếp cận mọi thông tin, tư liệu về hoạt động của các cơ quan công quyền, sự nghiệp công cộng (trừ một số hạn chế do luật định, như thông tin tuyệt mật về đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, không được vi phạm quyền riêng tư của người khác…). Cũng như vậy, người dân (và thành viên các tập đoàn, các cổ đông) có quyền đòi hỏi lãnh đạo tập đoàn, công ty, ngân hàng, doanh nghiệp phải công khai, minh bạch trong quản lý (trừ một số ít trường hợp được pháp luật bảo hộ về bí quyết thương mại, công nghệ). Nói cách khác, quan chức trong bộ máy công quyền và lãnh đạo các tổ chức kinh tế, sự nghiệp… có trách nhiệm minh bạch thông tin, không được phép từ chối cung cấp thông tin cho báo chí khi được yêu cầu.
|
Quyền được thông tin là một trong những yêu cầu cơ bản của báo chí. ảnh: trube |
Ở nước ta, lần đầu tiên “quyền thông tin” và “quyền được thông tin” được thể hiện tại Luật Báo chí (LBC) năm 1989. Ngay tại Điều 1, Chương I, chúng ta khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội…, là diễn đàn của nhân dân”. Điều 4, Chương II “Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân”, LBC quy định: “Công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt của đất nước và thế giới” (Khoản 1), người dân có quyền “Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí và nhà báo… mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào”. Trong khi đó, “Các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí (Điều 7). Đương nhiên, “báo chí có trách nhiệm đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nói rõ lý do”…
Hiến pháp 1980 chưa quy định các quyền và nghĩa vụ trên đã đành, Hiến pháp năm 1992 cũng mới bổ sung ý “Công dân có quyền được thông tin” vào Điều 69 Chương V “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Dự thảo Hiến pháp 2013 vẫn giữ nguyên như vậy, chỉ thay đổi kỹ thuật biểu đạt (Điều 26).
Thực tiễn ngày càng cho thấy yêu cầu cấp bách của việc thể hiện đầy đủ, rạch ròi quyền thông tin và quyền được thông tin trong Hiến pháp. Vì vậy, theo thiển ý của chúng tôi, Điều 26 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 nên thể hiện như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin và được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Chỉ thêm có ba từ so với Dự thảo, không làm rườm rà mà đổi lại, khiến cho Hiến pháp ta càng thêm chuẩn xác, phù hợp với thực tiễn đất nước cũng như thông lệ, kinh nghiệm quốc tế.
2. Chức năng của báo chí không chỉ có hai. Điều 64 Dự thảo Hiến pháp 2013 (sửa đổi bổ sung các điều 30, 31, 32, 33, 34 Hiến pháp 1992), Khoản 2 (phần báo chí) viết: “ Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội”.
Thể hiện như trên theo chúng tôi là chưa đủ. Chức năng của báo chí, tùy cách diễn đạt của từng người, từng nơi có khác nhau ít nhiều song không đâu chỉ có một hoặc hai chức năng. Tổ chức UNESCO nêu bảy chức năng, trong đó ba chức năng được sự đồng thuận cao của mọi quốc gia, mọi chế độ là: thông tin, văn hóa, giáo dục.
Các cơ quan thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử ở mọi nước từ trước tới nay luôn quan tâm chức năng văn hóa (bao gồm giải trí), hơn nữa còn coi đó là một điểm sáng thu hút sự quan tâm của công chúng. Về chức năng giáo dục, báo chí từ lâu đã được coi như một phương thức giáo dục thường xuyên ngoài học đường và sau học đường, dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Đó chính là sứ mệnh cao quý của báo chí góp phần nâng cao dân trí, nhân tố tiên quyết của phát triển. Ở nước ta, việc báo chí làm chức năng giáo dục đã được thực hiện ngay từ ngày lập quốc và thời kháng chiến.
Vế tiếp theo của Khoản 2, Điều 64, Dự thảo Hiến pháp 2013 viết: “Các phương tiện thông tin đại chúng… phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội”, theo thiển ý chúng tôi, là chưa bao quát. Trong thực tế báo chí ta kể từ ngày thành lập chế độ cộng hòa cho đến nay luôn có vai trò phục vụ đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng… Về ý này, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 2011, viết rõ ràng: “Báo chí… phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vì những lý do trên, Điểm 2, Điều 26 Dự thảo Hiến pháp 2013 (phần báo chí), đề nghị nên thể hiện như sau: “Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa, giáo dục của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.