Phong tục lễ Tết của người Việt; các điểm du xuân

(VOV5) - Năm nay, Rằm tháng Giêng trùng ngày thứ tư, 12/02/2025 (dương lịch). 

Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả muốn tìm hiểu về một số  phong tục Tết của người Việt, các điểm du xuân...

Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các thính giả gửi nhiều thư, thiệp chúc mừng tới các chương trình của VOV5. Các thính giả mong muốn tiếp tục dõi theo và đồng hành với các chương trình.

Thính giả Lê Chương Chính ở Quảng Tây, Trung Quốc, bình luận: "Tôi xin chúc toàn thể cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam một năm mới vui vẻ! Chúc các bạn sức khỏe, công việc thuận lợi, mọi việc thuận lợi! Tôi hy vọng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn và đạt tới trình độ cao hơn!"

Cũng từ Trung Quốc, thính giả Tiết Phi ở Liêu Ninh gửi email với nội dung: “Là một thính giả Trung Quốc, tôi cảm nhận sâu sắc những nỗ lực của đài TNVN trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tôi hy vọng đài TNVN có thể tiếp tục tăng cường tương tác với khán, thính giả Trung Quốc, ví dụ thông qua các nền tảng mạng xã hội hoặc các hoạt động trực tuyến, để thu hẹp hơn nữa khoảng cách với khán, thính giả.

Thính giả Sou Sambath, ở Phnom Pênh, gửi thư viết: “Tôi hy vọng rằng những khuôn khổ quan hệ mới sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam cũng như tạo nên những ảnh hưởng tốt đối với khu vực ASEAN”.

Các thính giả cũng có khá nhiều ý kiến bình luận và yêu cầu qua theo dõi các bài viết trên các chuyên mục và trong trang web vov5. Phóng viên các cơ quan thường trú trong và ngoài nước cập nhật đều đặn tình hình thời sự ở mỗi nước, thông tin về các hoạt động của cộng đồng người Việt.

Quý thính giả thân mến,

Thính giả người Campuchia, Sokunthearith, hỏi về các phong tục Tết đặc sắc của người dân Việt Nam.

Rất nhiều phong tục của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về: đó là thăm mộ tổ tiên; trang trí, dọn dẹp nhà cửa; gói bánh chưng, bánh tét; cúng ông công, ông táo; chơi hoa và bày mâm ngũ quả; đón Tất niên; Đón giao thừa; Xông đất; chúc tết, lì xì.

Có một phong tục mà người Việt luộn duy trì, đó là cúng rằm tháng Giêng. Đây cũng là quan tâm của nhiều thính giả:

Rằm tháng Giêng là một ngày lễ quan trọng trong năm. Vào ngày này, mỗi nhà thường làm mâm cỗ gồm các món truyền thống dâng lên tổ tiên, ông bà, mong một năm mới sum vầy, hạnh phúc. Rằm tháng Giêng âm lịch hay còn gọi tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng theo quan niệm của người Việt. Rằm tháng Giêng diễn ra từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm trăng rằm) của tháng Giêng âm lịch. Năm nay, Rằm tháng Giêng trùng ngày thứ tư, 12/02/2025 (dương lịch). 

Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “nguyên” nghĩa là thứ nhất, “tiêu” nghĩa là đêm. Tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng trong phong tục tập quán của người theo đạo Phật. Vì vậy mới có câu nói "cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng". Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cầu năm mới phát tài phát lộc, khỏe mạnh. Vào dịp lễ ngày 14 và 15 âm lịch, người dân thường đi chùa lễ Phật, làm việc thiện, phóng sinh... để cầu mong bình an, phúc lộc. Tùy theo từng vùng, từng điều kiện gia đình mà có cách chuẩn bị mâm cỗ khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm của gia chủ gửi tới tổ tiên, ông bà.  

Thưa quý vị và các bạn, nhiều thính giả cũng muốn được biết thông tin về những địa điểm du xuân đầu năm ở miền bắc. Chương trình xin giới thiệu như sau:

Du khách đến Hà Nội vào dịp Tết có thể ghé thăm những ngôi chùa cổ kính như Chùa Một Cột, Chùa Trấn Quốc, hay đền Ngọc Sơn để cầu an, các địa điểm tham quan nổi tiếng như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hay các chợ hoa Tết. Thị xã Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai từ lâu đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình du Xuân. Chùa Hương, một trong những quần thể chùa nổi tiếng ở Việt Nam, cũng là điểm đến du Xuân không thể thiếu trong dịp Tết. Yên Tử, thuộc tỉnh Quảng Ninh, không chỉ nổi tiếng với phong cảnh núi non hùng vỹ mà còn là điểm đến hành hương linh thiêng trong mùa Xuân. Mộc Châu, thuộc tỉnh Sơn La, với những cánh đồng hoa mận, hoa đào trắng xóa, tạo nên khung cảnh như một bức tranh. Một chuyến du Xuân đến Mộc Châu không chỉ giúp bạn tận hưởng không khí trong lành mà còn có thể tham gia vào các hoạt động vui Tết như múa sạp, hát then, hay thưởng thức những món ăn đặc sản của miền núi.  Mẫu Sơn, vùng đất nổi tiếng với không khí lạnh quanh năm ở Lạng Sơn, là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích sự tĩnh lặng và muốn tận hưởng không khí Xuân trong lành. Cao nguyên Đồng Văn ở Hà Giang không chỉ nổi bật với những cung đường uốn lượn, hiểm trở, mà còn là nơi lý tưởng để du lịch vào dịp Tết. Cao Bằng, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và không khí mát mẻ, là một điểm đến lý tưởng cho du khách vào dịp Tết Nguyên Đán. Du khách có thể tham gia các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, tham quan những phiên chợ Tết vùng cao.  Ninh Bình, cố đô Hoa Lư, là một trong những điểm du lịch nổi bật ở miền Bắc với vẻ đẹp hoang sơ và những lễ hội đặc sắc. Làng cổ Đường Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, là một điểm đến thú vị cho những ai muốn tìm về không khí Tết truyền thống như thăm nhà cổ, gói bánh chưng..

Thính giả Paul Jamet, ở Pháp, hỏi ở Việt Nam có nhiều loài rắn không? Có loài nào cực kỳ nguy hiểm không?

Theo các nhà khoa học: Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng bậc nhất về các loài rắn độc, là nơi cư ngụ của hơn 60 loài, trong đó có khoảng 10-15 loài phổ biến và thường gây tai nạn cho con người như hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục xanh…

Theo các bác sĩ, rắn cạp nia là một trong những loại rắn độc nhất hiện nay, những bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn để lại di chứng rất nặng nề như liệt toàn thân, người bệnh rơi vào suy hô hấp phải thở máy, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng như tai biến, nhiễm trùng… có thể dẫn tới tử vong, nhiều bệnh nhân có thể mất khả năng lao động.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác