(VOV5) - Thính giả mong muốn được tìm hiểu về các phong tục văn hóa của người Việt.
Tết cổ truyền của người Việt vừa qua và người Việt ở khắp nơi trên thế giới đang sống trong những ngày mùa xuân Ất Tỵ với niềm vui, phấn khởi, hy vọng nhiều thành tựu trong năm nay. Thính giả khắp nơi cũng đồng hành, hòa niềm vui cùng những người con Việt.
Nghe âm thanh tại đây:
Các thính giả từ Campuchia gửi lời chúc mừng và bày tỏ sự thú vị cũng như mong muốn sẽ có nhiều chương trình hay, thu hút nhiều thính giả. Thính giả David Iurescia, người Argentina và Najimudin, từ Ấn Độ viết: “Xin chúc các bạn một Năm Ất Tỵ muôn vàn niềm vui, thịnh vượng. Chúc 1 năm rực rỡ với kỷ niệm 80 năm của Đài TNVN.
Nhiều thính giả cũng quan tâm tới hương vị cổ truyền của Việt Nam dịp đầu xuân. Chương trình xin giới thiệu 1 số đặc sản sau:
Bánh trôi, bánh chay là thức quà vặt đặc trưng của người Hà Nội xưa với hương vị ngọt thanh, mềm dẻo khó lẫn vào các loại bánh khác. Nghe có vẻ là món ăn dân dã và có ở bất cứ đâu, bất kỳ thời điểm nào, tuy nhiên bún ốc lại cực kỳ được lòng người dân Thủ đô cũng như du khách quan tâm yêu mến vào dịp Tết đến Xuân về. Thời điểm đầu Xuân, bún thang là món ăn được ưu tiên hàng đầu của người Hà Nội cũng như du khách có dịp ghé thăm thủ đô. Kể đến đặc sản Hà Nội mùa xuân chắc chắn không thể bỏ qua chả rươi và bánh tôm Hồ Tây. Lựa chọn đi du lịch Tết Nguyên đán, bạn nhất định phải thưởng thức các món ngon ngày Tết như bánh chưng, dưa hành, nem rán,... ở miền Bắc hay tôm chua, tré, bánh tét,... ở miền Trung và thịt kho nước dừa, củ kiệu tôm khô, mắm Gò Công,... ở miền Nam.
Các thính giả muốn biết nhiều hơn về những phong tục đi chùa đầu năm, và những hoạt động đầu năm mới của người dân Việt Nam.
Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt, hòa quyền giữa tín ngưỡng tôn giáo và đời sống tinh thần của dân tộc. Vào những ngày đầu năm mới, mọi người lại nô nức đến chùa dâng hương, cầu nguyện và hướng lòng mình về những điều thiện hành. Đi chùa còn là dịp gắn kết gia đình và bạn bè với nhiều hoạt động như phát lộc, xin chữ, múa lân và hát quan họ. Tụy nhiên, văn hóa lễ chùa ở ba miền Bắc Trung Nam của Việt Nam có nét đặc trưng riêng. Người miền bắc đi chùa với tâm thế hành hương, du xuân, cầu sức khỏe, bình an, may mắn. Người miền Trung thường cầu mong sự che chở, bảo hộ của thần linh trước thiên tai, khắc nghiệt. Người miền Nam không chỉ cầu bình an, sức khỏe mà còn cầu tài lộc quan việc xin lộc, rút xăm xin nước thánh.
Một nét đẹp trong phong tục đầu năm mới đó là cúng rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết thượng nguyên ( Tết nguyên tiêu). Đây cũng là quan tâm của nhiều thính giả các nước:
Rằm tháng Giêng là đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, thời điểm trời đất giao hòa, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, việc cúng lễ sẽ giúp gia chủ đón nhận may mắn, bình an và thịnh vượng suốt năm. Năm nay, Rằm tháng Giêng (ngày 15/1 âm lịch) nhằm vào thứ Tư, ngày 12/2 dương lịch. Vào ngày này, người Việt thường chuẩn bị mâm cỗ dâng lên tổ tiên, cầu năm mới ấm no. Vì vậy, trước ngày rằm, người Việt thường tới các chợ, chuẩn bị mua đồ để làm mâm cơm cúng. Bà Vũ Hoàng Dung, chủ cửa hàng ở phố Gia Ngư và bà Nguyễn Thị Hoa, ở Hoàn Kiếm cho biết: Rằm tháng Giêng cũng là dịp để các gia đình đến đền chùa lễ Phật, làm việc thiện, phóng sinh… cầu nguyện bình an, may mắn trong năm mới. Tới chùa những ngày đầu năm và lễ về rằm tháng Giêng, người dân mong muốn một năm bình an. Đến chùa thấy lòng nhẹ nhàng.
Thính giả Tadam, từ Lào, gửi tin nhắn muốn tìm hiểu về các lễ hội đầu năm của người Việt. Vì thời lượng có hạn, chúng tôi xin liệt kê những lễ hội chính và sẽ tiếp tục giới thiệu kỹ ở các chương trình sau:
Miền Bắc có lễ hội chùa Hương, gò Đống Đa ở Hà Nội, khai ấn Đền Trần ở Nam Định, Giỗ Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ, lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh. Miền Trung có lễ hội Cầu ngư và miền Nam có lễ hội chùa bà Thiên Hậu ở Bình Dương, lễ hội Đức Thánh Trần ở TPHCM, lễ hội núi bà Đen tây Ninh.. Các lễ hội đều diễn ra vào những ngày tháng Giêng để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, những vị thánh luôn cứu giúp dân và tham gia lễ hội với mong muốn một năm bình an, suôn sẻ.
Thính giả Phillipe Marsan, ở Pháp, hỏi về ngày Phát thanh thế giới năm nay
Ngày Phát thanh thế giới năm nay có chủ đề “Radio và biến đổi khí hậu”, trong đó tập trung vào vai trò của radio trong việc giáo dục, thông tin, nâng cao năng lực cho thính giả trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nhằm thúc đầy sự hợp tác toàn cầu và làm phong phú thêm phạm vi đưa tin về các vấn đề biến đổi khí hậu.