Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả muốn tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam. Đó là di tích 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa; lễ hội tôn giáo chính ở Việt Nam và nét văn hóa độc đáo Hội An.
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Gửi thư về cho chúng tôi, thính giả ở khắp nơi bày tỏ sự thú vị về các chương trình, các chuyên mục, bình luận về những sự kiện diễn ra, giúp cho họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Thính giả José Ignacio Cos Lezama, ở Bilbao, Tây Ban Nha, bình luận về chương trình Tháng Nhân đạo tại Việt Nam nhằm ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn và gọi đây là thành tích đáng tự hào. Thính giả Juan Diez ở Santander, Tây Ban Nha thích thú về một hang động vừa được phát hiện tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, mong rằng đây sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn. Thính giả người Việt ở nước ngoài trong tuần qua đã hướng về quê hương,dõi theo những sự kiện lịch sử, những ngày kỷ niệm trong tháng 5, thông qua các tin, bài và hình ảnh mà các phóng viên và cộng tác viên cung cấp về Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đồng thời, các đồng nghiệp ở nước ngoài cũng kịp thời phản ánh về các hoạt động hưởng ứng của cộng đồng người Việt ở các nước.
Quý thính giả thân mến, thính giả Kim Hua, Campuchia, muốn nghe giới thiệu về ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội. 73 năm trước, ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước.
Trong thư gửi tới chương trình, thính giả Najimuddin, ở Ấn Độ, hỏi lễ hội tôn giáo chính ở Việt Nam là lễ hội nào?
Bên cạnh những giá trị đạo đức, các tôn giáo còn có hệ thống những lễ hội rất phong phú. Ngày nay, rất nhiều lễ hội tôn giáo có sức lan toả, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội như Lễ Giáng sinh, Phục sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; Lễ Phật đản, Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh…Một trong những lễ hội tôn giáo chính là lễ Phật đản được các đia phương tổ chức từ ngày 1 đến ngày 15-4 âm lịch hằng năm. Trong đó, ngày 15-4 âm lịch là ngày lễ chính thức của Đại lễ Phật đản. Chủ đề chính của Lễ Phật đản năm 2024( từ ngày 08/05 đến 22/05 dương lịch) là hạnh phúc và hoàn thiện. Trong những ngày qua, các phật tử thực hiện các việc nhằm vinh danh tam bảo là Phật, Pháp và Tăng. Các hình thức như tăng hoa, dâng hương hoặc nghe thuyết giảng phật pháp. Đồng thời, các phật tử còn thực hiện việc từ thiện, tặng quà hoặc phóng sinh…
Nhiều thính giả muốn tìm hiểu xu hướng du lịch thể thao ở Việt Nam. Và đây là những thông tin chúng tôi cung cấp cho các bạn:
Trên thế giới những năm trở lại đây, du lịch thể thao đang rất được ưa chuộng. Hình thức du lịch này cũng đã có mặt tại Việt Nam và đang được chú ý hơn với nhiều hình thức, mô hình, cuộc thi chuyên nghiệp, hấp dẫn được tổ chức. Sự hấp dẫn của du lịch thể thao đến từ những trải nghiệm mới mẻ, mang tính thử thách cho du khách. Việc vừa quan sát hoặc tham gia các hoạt động thể thao, vừa thưởng ngoạn thiên nhiên đa địa hình, vừa có tính cạnh tranh đem lại sự phấn khích cho người trải nghiệm.
Tại Việt Nam, hình thức du lịch thể thao được biết đến nhiều nhất là marathon, tiếp đó là đua mô tô, dù lượn… với nhiều cuộc thi lớn được tổ chức chuyên nghiệp hằng năm, thoả mãn đam mê của những tín đồ du lịch và đem lại nguồn lợi nhuận cho ngành du lịch địa phương. Tiêu biểu phải kể tới các giải: VnExpress Amazing Marathon; Hạ Long Heritage Marathon; Đà Lạt Ultra Trail; Marathon quốc tế Hội An; Giải đua xe mô-tô, ô-tô địa hình ở Hà Giang; Biểu diễn dù lượn “Bay trên mùa vàng”, Giải leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, Giải đua xe đạp Một đường đua hai quốc gia tại Lào Cai...
Một số thính giả muốn tìm hiểu nét văn hóa độc đáo tại Hội An?
Không quá nhộn nhịp, tấp nập như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, Hội An đắm mình vào những nét đẹp của hoài niệm, của mộng mơ. Du khách khi đến với phố cổ đều ngẩn ngơ trước vẻ đẹp lãng mạn của Hội An. Đó là nét kiến trúc hoài niệm, cổ xưa với những ngôi nhà hình ống mang sắc vàng cổ điển, mái ngói rêu phong, mảng tường xám mốc xưa cũ. Nét hoài niệm của phố cổ được thể hiện trọn vẹn nhất qua hình ảnh chùa Cầu - linh hồn mang dấu ấn thời gian của phố Hội. Nhắc đến Hội An là nhắc đến thành phố của những chiếc đèn lồng đầy màu sắc. Nghề thủ công làm đèn lồng vì thế mà đã trở thành một nét đặc sắc của riêng Hội An. Ngoài ra, còn một số làng nghề khác như Làng gốm Thanh Hà, Làng Mộc Kim Bồng, Làng lụa Hội An, Làng rau Trà Quế Hội An, Làng chiếu Bàn Thạch, Làng đúc đồng Phước Kiều...Đến Hội An, du khách đừng bỏ lỡ những show văn hoá Hội An đặc sắc, như: Ký Ức Hội An, Palao show, Á Ồ show, Múa rối nước,... Hội An còn háp dẫn du khách bởi âm thực độc đáo như cao lầu, bánh bao, bánh vạc, hoành thánh, mì Quảng, bánh xèo, bánh bèo, bánh tráng, hến trộn,…