Trả lời thính giả về việc Sài Gòn đổi tên thành TPHCM; thị trường nến thơm, lĩnh vực eSports

(VOV5) - Tuần qua, gửi về chương trình, thính giả ở khắp nơi bày tỏ sự khâm phục đánh giá cao tinh thần trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ của người dân Việt Nam trong hoạn nạn.

Gửi thư về chương trình, thính giả đánh giá cao tinh thần trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ của người dân Việt Nam trong hoạn nạn. Thính giả cũng quan tâm tới nhiều nội dung như: việc Sài Gòn đổi tên thành TPHCM; thị trường nến thơm...

Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,

Tuần qua, gửi về chương trình, thính giả ở khắp nơi bày tỏ sự khâm phục đánh giá cao tinh thần trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ của người dân Việt Nam trong hoạn nạn.

Thính giả Uoy Sambiet, Campuchia, chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi Việt Nam thông báo hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mỗi nước 100.000 USD khắc phục hậu quả động đất và Việt Nam cũng đã cử hai đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo. Từ Peru, thính giả Johnny Antonio Ramirez Lopez cũng ấn tượng khi  các đoàn cứu hộ Việt Nam tham gia vào nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Gửi thư tới các chương trình, các thính giả cũng quan tâm tới nhiều sự kiện diễn ra ở Việt Nam như cuộc gặp cấp cao giữa hai Đảng do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen đồng chủ trì tại Hà Nội, cũng như những bài viết trong các chuyên mục về văn hóa và con người Việt Nam. Các phóng viên, biên tập viên hàng ngày kết nối với bạn bè, thính giả, cộng tác viên ở nước ngoài để kịp thời phản ánh về đời sống của bà con ở các nước.   

Từ Indonesia, thính giả Hari Santosa gửi thư hỏi Sài Gòn được đổi tên thành “Hồ Chí Minh” từ khi nào. Vì sao lại có sự thay đổi đó?  Sau đây là những thông tin chúng tôi cung cấp cho các bạn:

Hơn một năm sau chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, vào lúc 08h20’ ngày 02/7/1976, cùng với Nghị quyết thống nhất đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VI cũng thông qua Nghị quyết đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Khá nhiều người đến nay vẫn chưa biết được những thông tin sau đây: bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một trong những người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bác sĩ tại Pháp, nhưng lại luôn đồng hành cùng Tổ quốc, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ngay từ ngày 23-9-1945. Ông chính là người đầu tiên đã đưa ra ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh ngay từ những ngày tháng 8-1946. Tháng 2-1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được lãnh đạo Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre lựa chọn tham gia vào đoàn vượt biển ra Bắc báo cáo với Trung ương. Ông hăng say hòa mình vào cuộc sống mới rất khác với miền Nam. Và một bài báo trên báo Cứu Quốc ra ngày 26-8-1946 cho biết: kỷ niệm một năm chính quyền cách mạng, phòng Nam bộ trung ương, đường Gia Định đã có một buổi họp mặt thân thiện giữa những người Việt miền Nam. Trong buổi họp này, bác sĩ Nghiệp nhắc lại tình hình Nam bộ và trên tất cả là công lao của Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc. Bác sĩ Nghiệp đề nghị, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, thành phố Sài Gòn đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Toàn thể mọi người tán thành đề nghị của bác sĩ Nghiệp và đồng ký vào bản quyết nghị thay tên thành phố Sài Gòn gửi lên Chính phủ...". 57 người đã ký tên, đứng đầu là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

 

Thính giả Dwi Budhi, ở Indonesa, muốn tìm hiểu về sự phát triển của eSports ở Việt Nam.

Thể thao điện tử hay còn gọi là eSports, bản chất vẫn là game, nhưng có tính cạnh tranh cao và thường xuyên có giải đấu lớn.  eSports đã du nhập và phát triển tại Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây. Những ngày đầu chỉ là phong trào tự phát,  mang tính cộng đồng thì đến nay thể thao điện tử đã chuyên nghiệp và thương mại hóa. eSprots trở thành hình thức giải trí phổ biến trong đại dịch COVID-19. Năm 2020, thị trường game tại Việt am ước tính đạt 40 triệu. Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam cũng mong muốn thành lập các câu lạc bộ sinh viên ở các trường để lồng ghép việc hướng nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với những ngành nghề mới tại Việt Nam. Thể thao điện tử cũng đã được đưa vào giải đấu ở SEA games 31 như PUBG Mobile, Liên minh huyền thoại tốc chiến, đột kích….

 Quý thính giả thân mến, về câu hỏi của thính giả Kim Srey Net, người Campuchia,về thị trường nến thơm tại Việt Nam, chương trình xin thông tin:

Tại Việt Nam, ngành nghề liên quan đến mùi hương, đặc biệt là nến thơm chưa thực sự phát triển. Thị trường nến thơm Việt Nam còn non trẻ và là một ngành nghề còn khá mới so với các nước trên thế giới. Đối với dòng sản phẩm nến thơm cao cấp, chủ yếu là những địa điểm như nhà hàng, khách sạn, spa… vẫn phải nhập hàng từ nước ngoài. Tạo ra một sản phẩm nến thơm tại Việt Nam có thể cạnh tranh được với các thương hiệu nến thơm nước ngoài nhờ sự vượt trội về giá, chất lượng, đa dạng và sử dụng với nhiều mục đích như trang trí căn phòng, tiệc cưới hay sự kiện. Có thể sáng tạo các mẫu mã nến thơm độc đáo thể hiện nét văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam hoặc văn hóa vùng miền được khách ngoại quốc ưa thích. Đối với dòng sản phẩm nến thơm cao cấp cần phải nghiên cứu, tìm tòi và thử nghiệm mẫu thử và mất nhiều thời gian hơn. 

 Từ tỉnh Miyagi, Nhật Bản, thính giả Hiroyuki Akiba hỏi quả vải có được trồng phổ biến ở Việt Nam không?

Vải thiều là trái cây phổ biến ở một số quốc gia nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay vùng trồng loại vải nổi tiếng nằm ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương và huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Một số giống vải cũng được trồng ở một số khu vực khác như giống vải Hùng Long, được chọn lọc thành công tại xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Giống vải lai Yên Hưng được phát hiện lần đầu tiên ở thôn Mai Hòa, xã Đông Mai, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Giống vải Bình Khê, là giống vải lai tự nhiên có nguồn gốc tại xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Giống vải U Hồng có nguồn gốc từ Thanh Hà (Hải Dương). Giống vải chín sớm Yên Phú là giống đột biến tự nhiên được tìm thấy ở thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Giống vải chín sớm Phúc Hòa, có nguồn gốc: Xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Vải thiều Bát Trang được trồng ở xã Bát Trang, huyện An Lão, Hải Phòng.

 Thính giả Bỉ Michel Beine hỏi: Người Việt Nam thích loại cá nào nhất ?

Theo thống kê thì cá lóc là loại cá được người dân ưa chuộng nhất. Cá lóc hay còn được gọi là cá quả, được yêu thích bởi vị ngọt của thịt, lành tính, ít mỡ, chứa nhiều khoáng chất và các vitamin bổ sung năng lượng cho cơ thể. Cá lóc không chỉ là nguyên liệu chế biến phong phú mà còn là một liều thuốc chữa bệnh hiệu quả.  Đây là món ăn không thể bỏ qua trong bữa cơm hàng ngày của những người mắc bệnh phổi.

Những thông tin này đã kết thúc chuyên mục này hôm nay. Hẹn gặp lại quý thính giả trong những cánh thư sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác