(VOV5) - Các thính giả muốn tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa cũng như đời sống của người Việt.
Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, các thính giả muốn tìm hiểu về các phong tục văn hóa, đời sống của người Việt. Chương trình trả lời những câu hỏi gửi về:
Nghe âm thanh tại đây:
Gửi thư về các chương trình tuần qua, nhiều thính giả bày tỏ niềm vui khi bắt sóng được các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Các thính giả cũng mong muốn được tới thăm Việt Nam.
Các thính giả từ Trung Quốc, từ Cộng hòa Sec viết: Tôi đam mê nghe Đài và bắt được tín hiệu của VOV… hay tôi đã bắt được sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và điều này làm tôi rất vui. Một thính giả khác chia sẻ, tôi luôn cố gắng không mệt mỏi để có thể bắt được sóng của VOV. Thính giả Rafael Tuazon gửi thư cho chương trình thông tin về việc bắt được sóng và mong muốn nhận được xác nhận nghe đài. Các thính giả ở khắp nơi cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho các chuyên mục để các chương trình ngày một phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của người nghe. Chúng tôi xin cảm ơn và luôn trân trọng những tình cảm của thính giả dành cho Đài Tiếng nói Việt Nam và các biên tập viên.
Quý thính giả thân mến, thính giả Yagi Susumu, ở Hiroshima, Nhật Bản, hỏi tháng 2, tháng 3 có phải là thời kỳ lập Xuân ở Việt Nam không?
Tiết lập xuân là ngày tốt để làm được rất nhiều việc bắt đầu cho một năm mới. Lập xuân là ngày đầu của 24 tiết khí, cố định vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch. Nhiều người cho rằng, dựa vào âm lịch để tính tiết khí, nhưng trên thực tế lại dựa vào dương lịch để tính tiết khí, đó là sáng tạo mà từ nhiều đời của người Việt đã áp dụng để bù đắp vào chỗ khiếm khuyết của âm lịch đã không phản ánh được biến thiên về mùa vụ của thiên nhiên.
Về câu hỏi ở Việt Nam, ngoài hoa đào là loại hoa đặc trưng của Tết ra thì còn có loại hoa nào khác không, chúng tôi xin thông tin như sau:
Ngoài hoa đào là đặc trưng Tết, còn có hoa mai. Vào mùa xuân, cũng thường có các loại hoa khác, như: hoa lay ơn, hoa đồng tiền, hoa thủy tiên, hoa hồng đỏ, nụ tầm xuân, hoa cát tường, hoa thược dược, hoa trạng nguyên,
Thính giả Yang Bonyong gửi thư từ Campuchia hỏi về công trình tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 81m, khắc vào vách đá núi Sam tại tỉnh An Giang.
Tượng Phật Thích Ca cao 81m được đặt trên khu đất rộng 5.500m2, với chi phí đầu tư khoảng 255 tỷ đồng. Đây là “tượng Phật ngồi thiền, khắc vào vách đá” cao nhất thế giới. Được biết, chi phí xây dựng tượng Phật được trích từ nguồn vốn Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và kêu gọi các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp. Công trình tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 81m, khắc vào vách đá núi Sam là hạng mục chính của Công Viên Văn Hoá Núi Sam. Khi hoàn thành thì Công Viên Văn Hoá Núi Sam sẽ góp phần khai thác và phát triển tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn thành phố Châu Đốc nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Dự kiến vào năm 2025, tượng Phật sẽ hoàn thành.
Từ tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, thính giả Ebiduka Motori hỏi ở Việt Nam có nhiều chương trình hay hoạt động tình nguyện xanh vì cộng đồng không? Nếu có, những thành viên tham gia các hoạt động có phải là những người trẻ không?
Các chương trình tình nguyện xanh vì cộng đồng được triển khai hằng năm tại nhiều địa phương của Việt Nam. Có thể kể đến như chiến dịch mùa hè xanh là một trong những hoạt động tình nguyện nổi tiếng nhất, được Hội sinh viên Việt Nam tổ chức. Các tình nguyện viên sẽ tham gia vào các hoạt động như xây nhà tình thương, chiến dịch xóa mù chữ, làm cầu, làm đường…Xuân tình nguyện cũng là một chiến dịch tương tự như mùa hè xanh, được tổ chức vào thời điểm mùa xuân hằng năm. Các hoạt động xuân tình nguyện nhằm mục đích trao gửi yêu thương đến những bà con có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có một cái Tết sum vầy. Những tình nguyện viên sẽ tham gia gói bánh chưng, trao tặng sách cho các trẻ có hoàn cảnh khó khăn…Chương trình tiếp sức mùa thi với nhiều hoạt động như hỗ trợ, tư vấn nhà trọ, điểm thi, thủ tục dự thi, trong đó có tặng suất ăn cho các thí sinh cũng là một hoạt động quan trọng. Những thành viên tham gia các hoạt động tình nguyện xanh vì cộng đồng là những người trẻ. Qua các hoạt động này, lan tỏa tinh thần tình nguyện của những người trẻ, lan tỏa tinh thần xung kích, sáng tạo của các bạn thanh niên.
Thính giả Phanlanha, ở Xaynhabuly, Lào, muốn được nghe giới thiệu về Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam
Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, nằm trên đường Điện Biên Phủ, thủ đô Hà Nội, là nơi trưng bày những hình ảnh, hiện vật trong quá trình kháng chiến, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975). Với hàng nghìn hiện vật, tài liệu giá trị được bảo quân, trưng bày, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam là một điểm đến vô cùng ý nghĩa cho du khách không chỉ trong nước mà quốc tế khi tới thăm thủ đô Hà Nội. Phần trưng bày trong nhà được chia thành 3 khu vực từ thời vua Hùng, trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc … Phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng gồm 2 khu với các hiện vật như xác máy bay Mỹ; xe tăng; đại bác; súng thần công...Hiện nay, Bảo tàng được xây dựng mới và sắp hoàn thiện tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, sát mặt đường đại lộ Thăng Long, , có tổng mức đầu tư 2.500 tỉ đồng, khoảng 102 triệu USD. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trưng bày 8 chuyên đề, 7 bộ sưu tập và 12 chuyên ngành quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên ngoài tòa nhà được thiết kế đặt các công trình phục dựng quân sự, trưng bày các vũ khí lớn...