Bánh lơ khoái ở chợ phiên Sà Phìn

(VOV5) - Chiếc bánh trắng mỏng, chiên trong dầu cho hơi vàng mặt, ăn nóng cùng bột đỗ tương hoặc bột ớt rang muối là món khoái khẩu của người Mông ở vùng cao Hà Giang.

Chợ phiên Sà Phìn thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là phiên chợ lùi mang đặc trưng của người Mông ở Đông Bắc, họp luân phiên một tuần một lần, cách nhau 6 ngày và tuần sau lùi lại một ngày so với tuần trước. Những mặt hàng được mang đến chợ chủ yếu là nông sản do người dân tự nuôi trồng được như rau cải, cà chua, ngô, đậu tương, mía, lợn, gà, trâu, bò… Với người dân ở đây, đi chợ không chỉ để mua bán mà còn là một dịp để đi chơi, giao lưu, thưởng thức những món quà vặt và uống rượu, gặp gỡ bạn bè.

Bánh lơ khoái ở chợ phiên Sà Phìn - ảnh 1
Chiếc bánh nhỏ xinh đang xì xèo mỡ được khách quét lên một lớp đỗ tương rang muối. Giữa cái lạnh nơi cao nguyên đá, được thưởng thức chiếc bánh mềm, dẻo, thơm vị gạo giã, bùi bùi vị đỗ tương thật thú vị.



Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Lang thang dạo quanh chợ Sà Phìn một buổi sáng, quán hàng bán đồ rán tỏa ra mùi thơm đầy mời gọi như níu chân du khách. Ở một góc nhỏ bên trái khu vực trung tâm chợ, quán bán bánh lơ khoái (còn gọi là lơ khoải) gây tò mò cho du khách bởi có rất nhiều trẻ em và người dân vây đến ăn.

Lơ khoái là món ăn chơi phổ biến vào mùa đông, nên khi có gió lạnh tràn về người ta mới bán nhiều trong chợ. Làm lơ khoái không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn. Bột bánh được làm chủ yếu từ gạo tẻ, cho thêm một ít gạo nếp để tạo độ dẻo thơm.

Gạo được chọn làm bánh là gạo nương Yên Minh, thứ gạo ngon nhất tỉnh Hà Giang, hạt to, tròn đều. Sau khi vo thật sạch, người phụ nữ Mông nấu chín gạo và đổ ra để nguội. Trước đây khi chưa có máy xay, người làm phải giã hạt cơm cho đến nhuyễn bằng cối rất mất công, nhưng nay chỉ cần cho vào máy xay là hạt gạo đã quyện lại đặc sánh. Sau khi có bột, người ta nén thật chặt vào khung bánh để tạo thành một khối bánh rắn chắc.

Khi có khách ăn, người bán hàng lấy con dao sắc thái 1 lớp bánh mỏng chừng hơn nửa cm, cho vào chảo dầu đang sôi để rán. Chừng 1- 2 phút sau là bánh chín, người bán xiên bánh vào que tre và đưa cho khách.

Đỗ tương và ớt sau khi rang cùng muối được xay hoặc giã nhỏ cho vào hai bát để bên cạnh, khách ăn tùy sở thích có thể cho vào ít hay nhiều, có thể có ớt hoặc không nhưng không thể thiếu vị mặn bùi của lớp đỗ tương bởi đó là một phần tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn.

Chiếc bánh nhỏ xinh đang xì xèo mỡ được khách quét lên một lớp đỗ tương rang muối. Giữa cái lạnh nơi cao nguyên đá, được thưởng thức chiếc bánh mềm, dẻo, thơm vị gạo giã, bùi bùi vị đỗ tương thật thú vị.

Chiếc bánh tuy đơn sơ, giản dị nhưng là món ăn chơi, ăn vặt vui miệng và quen thuộc của người vùng cao. Trẻ con theo mẹ đi chợ được cho ăn bánh là có thể vui vẻ tung tăng chơi cả buổi. Người dưới xuôi khi đến chơi chợ phiên Sà Phìn còn có thể thưởng thức thêm nhiều món ăn đặc sắc khác như cháo ấu tẩu, thắng cố, thắng dền, rượu ngô... để cảm nhận nét đặc sắc trong ẩm thực của người dân nơi rẻo cao.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác