(VOV5) - Để miếng cá thính có vị giòn, thơm thì thính là một nguyên liệu không thể thiếu.
Với những người dân Vĩnh Phúc đi xa lập nghiệp, món cá thính có màu vàng ươm, ăn với cơm nóng vào những ngày rét, mằn mặn mà thơm ngậy in ngập trong tâm trí.
Các sản phẩm từ mảnh đất Vĩnh Phúc được trưng bày tại Ngày hội văn hóa đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với những người dân Vĩnh Phúc đi xa lập nghiệp, món cá thính có màu vàng ươm, ăn với cơm nóng vào những ngày rét, mằn mặn mà thơm ngậy in ngập trong tâm trí. Cá thính còn gọi là cá muối chua, có quy trình thực hiện khá công phu, từ việc chọn cá béo và chắc thịt, đến sơ chế và muối, ướp cá. Sau khi mổ cá và để ráo nước, người ta tiến hành công đoạn ướp cá với muối với mục đích làm cho cá săn chắc lại, muối sẽ rút hết nước trong cá cũng như độ mặn của muối không làm cho cá bị phân hủy. Để miếng cá có vị giòn, thơm thì thính là một nguyên liệu không thể thiếu. Chị Trần Thị Liên Hoa ở thị trấn Lập Thạch, Vĩnh Phúc, đã nhiều năm làm món cá này phục vụ bà con, chia sẻ: “Cá nhà tôi thực hiện là cá sạch hoàn toàn. Thính được làm từ bột ngô và đỗ tương rang lên sau đó nghiền bột thơm lên. Con cá sau khi ướp muối, đủ số lượng ngày, cá cứng thì sẽ lên men tự nhiên”.
Món cá thính của gia đình chị LIên Hoa đã nức tiếng gần xa vì miếng cá giòn, thơm. |
Chị Hoa làm rất nhiều loại cá thính như: cá mương sông, cá chim, cá trắm, cá chép, phù hợp cho cả người già và trẻ nhỏ. Với vị chua chua, giòn giòn, ngon miệng, cá thính thương hiệu Dũng Hoa đã nức tiếng không những trong vùng mà cả khách phương xa đi du lịch cũng thường lui tới để mua về làm quà.
Thương hiệu cá thính Dũng Hoa |
Bà Vũ Thị Lan, người Lập Thạch, cho biết, món cá thính là món ăn thường xuyên của gia đình: “Đặc sản của Lập Thạch là cá thính, ăn rất ngon. Nhà tôi lúc nào cũng có cá thính mà chỉ ăn cá thính Lập Thạch thôi. Cứ ăn gần hết hộp cá là lại đi mua. Gia đình nhà tôi thích ăn cá thính vì nó ngon và thơm”.
Từ Lập Thạch, di chuyển qua phía đông đến Tam Đảo, du khách sẽ lại được khám phá một món ăn mà cứ vào dịp này, từ sau rằm tháng Chạp đến Tết nguyên đán, bà con dân tộc Sán Dìu thường làm để dâng cúng tổ tiên cầu mong cho gia đình hạnh phúc. Đó là món bánh gio hay có người gọi là bánh tro. Để làm được bánh gio theo đúng công thức cổ truyền của người Sán Dìu, đồng bào thường lấy cây “giong dịu”, mọc ven suối trên núi, về phơi khô, đốt lấy tro. Như lời bà Trương Thị Mai, dân tộc Sán Dìu, đã ngoài 60 tuổi ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, Tam Đảo: “Kỳ công nhất là bánh gio. Cái này làm rất lâu. Cây sau khi phơi khô, đốt xong thì lọc lấy nước. Khâu lọc lấy nước không phải là dễ đâu, phải lọc để cho chảy từng giọt nước xuống. Sau đó, lấy nước đó để ngâm gạo, rồi mới đem đi luộc”.
Bà Trương Thị Mai bên quầy hàng bánh gio đặc sản của Tam Đảo, Vĩnh Phúc |
Bánh gio được gói bằng lá chít, buộc bằng lạt giang, đem luộc khoảng 4 đến 5 tiếng là bánh chín. Bóc lớp lá ngoài cùng lộ ra một màu vàng cánh gián, trong suốt. Cắt từng miếng nhỏ, chấm với mật mía màu vàng óng sóng sánh rồi thưởng thức mới cảm được vị ngọt thơm dịu, thanh mát, vô cùng hấp dẫn.
Vĩnh Phúc mê hoặc du khách bởi Tam Đảo mờ sương và những món ăn bản địa hấp dẫn. Vĩnh Phúc còn có những hoa quả đặc trưng được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến như dứa Tam Dương và thanh long ruột đỏ Lập Thạch, ăn một lần nhớ mãi.
Thanh long ruột đỏ Lập Thạch, Vĩnh Phúc |
Thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được xuất khẩu sang nhiều nước như: Malaysia, Nhật Bản, Australia… Nguyễn Thị Ngân, 19 tuổi ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nhận xét về giống thanh long ruột đỏ này: “Em thấy Thanh Long ruột đỏ ăn ngọt hơn, ngon hơn và thơm hơn thanh Long ruột trắng, chắc là do địa hình và đất đai ở đấy nên ngon và ngọt hơn. Có quả tầm bốn đến năm lạng, cũng có loại to hơn tầm sáu đến bẩy lạng. Quả nào cũng thế đều ngọt lịm”.
Đến Vĩnh Phúc ăn cá thính thơm ngậy, bánh gio chấm mật mềm dẻo hay miếng thanh long ruột đỏ tươi ngọt mát, những sản vật quê nhà dân dã, mộc mạc của vùng quê Bắc Bộ ấy như có sức hút riêng níu chân du khách tìm về.